Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc nối lại quy trình khởi kiện Nhật Bản lên WTO về vấn đề quy chế xuất khẩu

2020-06-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Xét thấy Nhật Bản không hề có ý định giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc ngày 2/6 đã công bố nối lại quy trình khởi kiện Tokyo lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tại buổi họp báo thường kỳ cùng ngày, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc cho biết Chính phủ nhận định trong tình hình hiện tại, khó có thể coi hai nước đang tiến hành đối thoại chính sách bình thường, vốn là điều kiện đầu tiên của Seoul khi quyết định tạm dừng quy trình khởi kiện Tokyo lên WTO ngày 22/11 năm ngoái.

 

Mâu thuẫn Hàn-Nhật về quy chế xuất khẩu

Tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản công bố siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc là khí ăn mòn, nhựa nhiệt dẻo và chất cản màu, đều là những vật liệu quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình. Theo đó, khi doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu các mặt hàng trên sang Hàn Quốc sẽ phải xin cấp phép từng đơn hàng riêng biệt thay vì được gộp lại “cấp phép toàn diện” như trước. Tháng 8 cùng năm, Nhật Bản tiếp tục công bố loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được ưu đãi đơn giản hóa quy trình cấp phép xuất khẩu. Các động thái này của Tokyo thực chất là biện pháp trả đũa đối với phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, và tịch thu tài sản của các doanh nghiệp này tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng có biện pháp đối phó tương tự là loại Nhật Bản khỏi “Danh sách trắng”, khởi động quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO, và quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA). Tuy nhiên, tới ngày 22/11 năm ngoái, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã công bố hoãn có điều kiện thời hạn chấm dứt hiệu lực Hiệp định, nối lại đối thoại chính sách cấp Vụ trưởng Hàn-Nhật, và tạm dừng quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO.

 

Nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO

Trong đối thoại chính sách diễn ra theo nội dung nhất trí giữa hai nước, Hàn Quốc nhấn mạnh cơ chế quản lý xuất khẩu của Seoul vẫn đang hoạt động bình thường và hiệu quả, không giống lý do Nhật Bản đưa ra khi siết chặt quy chế xuất khẩu. Tuy nhiên cho tới nay, quá trình thảo luận Hàn-Nhật nhằm giải quyết vấn đề này vẫn chưa đạt được tiến triển. Ban đầu, phía Nhật Bản nêu ra ba lý do siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc là đối thoại chính sách Hàn-Nhật bị gián đoạn, Hàn Quốc thiếu kiểm soát toàn diện với mặt hàng vũ khí truyền thống, thiếu nhân lực và tổ chức trong quản lý xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc khẳng định đã tiến hành cải thiện cơ chế, giải quyết được cả ba lý do trên, nhưng Nhật Bản vẫn không chịu thay đổi lập trường. Sau đó, Seoul đã ra tối hậu thư, yêu cầu Tokyo đưa ra lập trường chính thức tới cuối tháng 5. Được biết, Nhật Bản đã bày tỏ lập trường về vấn đề này. Bộ Công nghiệp không đề cập nội dung cụ thể, chỉ cho biết câu trả lời của Tokyo không như Seoul mong đợi.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Seoul nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy hai bên không thể giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu thông qua thảo luận, phải nhờ tới một tổ chức quốc tế. Đây là “quân bài” cuối cùng đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của quyết định này. Trước tiên, quá trình giải quyết tranh chấp tốn rất nhiều thời gian. Trình tự đầu tiên sẽ là Hàn Quốc đề nghị thành lập Ban hội thẩm lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Quy trình thẩm định thông thường mất khoảng 6 tháng. Tiếp đó là bước thông qua báo cáo hội thẩm, phúc thẩm. Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài tối đa ba năm. Thêm vào đó, vị thế của WTO trong các vấn đề tranh chấp quốc tế gần đây đang bị lung lay mạnh. Cơ quan phúc thẩm của WTO, tương đương vai trò “Tòa án tối cao”, đang trong tình trạng tê liệt do vấp phải sự phản đối của Mỹ về vấn đề bổ nhiệm ủy viên. Mặc dù vậy, quyết định nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO của Seoul có thể gây sức ép nhất định đối với Tokyo, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang thiệt hại ngày một nặng nề do phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc. Đó cũng là lý do Chính phủ Hàn Quốc một mặt công bố nối lại quy trình khởi kiện Tokyo, mặt khác vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập