Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Hàn Quốc nhận lời mời dự Hội nghị G7+4 của Mỹ

2020-06-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 1/6 ra thông cáo cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Moon Jae-in đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong năm nay. Ông Moon khẳng định Hàn Quốc sẽ nỗ lực đóng góp hết khả năng ở cả hai phương diện phòng dịch và kinh tế.

 

Điện đàm giữa lãnh đạo Hàn-Mỹ

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in, ông Donald Trump chỉ ra rằng cơ chế G7 đã lỗi thời, không phản ánh hết tình hình quốc tế hiện nay. Washington đang xem xét phương án mở rộng nhóm G7 thành G11 hoặc G12. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng muốn tham khảo ý kiến của Tổng thống Moon về vấn đề này. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc cũng đồng tình G7 còn hạn chế trong đối phó và tìm kiếm phương án giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Quyết định mời thêm 4 nước Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và Nga tham gia cơ chế này là một điều chỉnh thích hợp. Về phương án kết nạp thêm Brazil để mở rộng G7 thành G12, ông Moon nhận định đây cũng là một phương án thích hợp nếu xét tới dân số, quy mô kinh tế, tính đại diện khu vực của Brazil. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá nếu Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong năm nay thì sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong thời kỳ “hậu COVID-19”, và phát pháo báo hiệu nền kinh tế thế giới đã quay về trạng thái bình thường .

Đây là cuộc điện đàm thứ 25 giữa lãnh đạo Hàn-Mỹ, và là lần thứ ba trong năm nay, 44 ngày sau cuộc điện đàm ngày 18/4, ngay sau Tổng tuyển cử tại Hàn Quốc.

 

Ý tưởng mở rộng cơ chế G7

Trên thực tế, vấn đề mở rộng nhóm G7 đã được đề cập từ lâu. Trong thời gian qua, cơ chế thảo luận giữa lãnh đạo thượng đỉnh 7 quốc gia đã lộ rõ nhiều điểm hạn chế trong công tác bàn bạc, tìm kiếm phương án và ứng phó với các vấn đề nóng hổi toàn cầu. G7 bao gồm 6 quốc gia phát triển hàng đầu phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và duy nhất một quốc gia châu Á là Nhật Bản, các khu vực còn lại là Trung Nam Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương hoàn toàn bị loại trừ khỏi cơ chế này. Do đó, G7 bị cho là không thể đối phó với tình hình quốc tế đang ngày càng diễn biến phức tạp. Trên thực tế, Hội nghị thượng đỉnh G7 từng được tổ chức theo một số hình thức ngoại lệ, như Hội nghị G7+1 với sự tham dự của Nga, Hội nghị thượng đỉnh mở rộng có sự góp mặt của một số quốc gia “quan sát viên” tùy theo chủ đề nghị sự nổi cộm hoặc tình hình của quốc gia đăng cai hội nghị. Ngoài G7, Nhóm các nền kinh tế lớn G20 cũng đã được ra mắt. Do vậy, có thể coi mở rộng nhóm G7 là một lựa chọn đương nhiên và bất khả kháng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là thời điểm xúc tiến mở rộng G7 và ý đồ của Mỹ. Hiện tại, toàn thế giới đang gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19. Mỹ và Trung Quốc rơi vào đối đầu sâu sắc xoay quanh trách nhiệm làm lây lan đại dịch. Washington đang gây sức ép quyết liệt với Bắc Kinh như ngăn cản hãng Huawei của Trung Quốc cung cấp chíp bán dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Mỹ cũng đồng thời xúc tiến thiết lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, chuỗi cung ứng mới toàn cầu tập trung vào các nước đồng minh của Mỹ, hòng cô lập Trung Quốc. Trong bối cảnh trên, việc Mỹ đề xuất mở rộng nhóm G7 không bao gồm Trung Quốc càng thể hiện rõ mục đích cốt lõi của Washington là cô lập Bắc Kinh, thiết lập một trật tự thế giới mới.

 

Lựa chọn chiến lược của Hàn Quốc

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một căng thẳng, trở thành nguy cơ an ninh lớn tại khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc có quan hệ mật thiết với cả hai cường quốc về cả kinh tế và an ninh. Mỹ-Trung đối đầu sẽ khiến Seoul rơi vào tình huống bắt buộc phải chọn một trong hai. Dư luận phân tích Tổng thống Moon Jae-in nhận định đây là thời điểm thích hợp cho hợp tác quốc tế đối phó đại dịch COVID-19, và để Hàn Quốc nhảy vọt thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới, nên đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của Tổng thống Donald Trump. Cũng có khả năng lựa chọn táo bạo của ông Moon sẽ đặt ra nhiều bài toán hết sức khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập