Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thông báo tạm ngừng kế hoạch hành động quân sự

2020-06-27

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/6 đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngày 23/6 đã chủ trì cuộc họp trù bị của Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động, quyết định tạm ngừng kế hoạch hành động quân sự với Hàn Quốc. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 25/6 đánh giá đây là bước khởi đầu của một tín hiệu tích cực, kỳ vọng hai miền Nam-Bắc sẽ tiến hành thảo luận để cải thiện quan hệ liên Triều.

 

Tạm ngừng kế hoạch hành động quân sự

Viện cớ phản đối tổ chức người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc rải truyền đơn chống phá, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một cuộc phản kháng lên án gay gắt miền Nam, thậm chí còn tuyên bố chuyển đổi quan hệ với Hàn Quốc sang “quan hệ với kẻ thù”. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng cho phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung và tuyên bố kế hoạch hành động quân sự 4 bước, gồm rải truyền đơn sang miền Nam, triển khai binh lực tới Khu công nghiệp liên Triều Gaesung và khu du lịch núi Geumgang, khôi phục các trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), và nối lại tập trận quân sự ở khu vực biên giới. Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, là người đứng đầu chính sách cứng rắn lần này của miền Bắc. Bắc Triều Tiên đã công bố hoàn tất công tác chuẩn bị rải truyền đơn sang miền Nam, và lắp đặt lại các loa phóng thanh chĩa sang Hàn Quốc ở một số khu vực. Các động thái của miền Bắc ngày càng đưa quan hệ liên Triều tới bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, xuất hiện trở lại ngày 25/6 sau một thời gian vắng bóng, Chủ tịch Kim Jong-un lại tuyên bố tạm dừng kế hoạch hành động quân sự với miền Nam. Theo đó, miền Bắc đã cho tháo dỡ các loa phóng thanh vừa dựng lại. Các hãng truyền thông Nhà nước và kênh tuyên truyền đối ngoại của nước này cũng đồng loạt gỡ những bài báo chỉ trích miền Nam đã đăng tải nhiều ngày trước đó.

 

Bối cảnh

Nguyên nhân khiến Bắc Triều Tiên thể hiện thái độ vô cùng quyết liệt gần đây là do vụ rải truyền đơn của các tổ chức dân sự người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc. Nội dung truyền đơn vạch trần sự vô đạo đức và những điểm yếu của chính quyền miền Bắc, như thừa kế quyền lực hay vấn nạn tham nhũng. Bắc Triều Tiên đã quyết liệt yêu cầu tổ chức dân sự miền Nam ngừng ngay hành vi rải truyền đơn. Chính phủ Hàn Quốc cũng phản ứng rất tích cực với yêu cầu của miền Bắc, nhưng trên thực tế khó lòng ngăn chặn được hoàn toàn các hoạt động dân sự này. Việc Bắc Triều Tiên phản ứng nhạy cảm với hành vi rải truyền đơn là bởi nội dung trong truyền đơn có thể đe doạ tới sự ổn định thể chế của nước này. Vấn đề truyền đơn thực ra chỉ là cái cớ, mà miền Bắc muốn nhân cơ hội này để chặn đứng hoàn toàn các hành động của các tổ chức dân sự miền Nam, đồng thời thắt chặt đoàn kết nội bộ. Phản ứng của miền Bắc cũng cho thấy nước này đang hứng chịu thiệt hại lớn do các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế. Một nguồn tin cho biết trong bối cảnh nền kinh tế đã lao đao sẵn vì các lệnh cấm vận, Bắc Triều Tiên lại thêm khó khăn chồng chất vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phải cắt đứt gần như hoàn toàn thương mại với Trung Quốc, “thuyền cứu sinh” của nước này, dẫn tới nảy sinh nhiều ý kiến bất bình trong nội bộ. Giới quan sát cho biết người dân thủ đô Bình Nhưỡng và quân đội, những trụ cột trong công cuộc duy trì thể chế miền Bắc, cũng đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm, thậm chí ngày càng có nhiều người chết đói. Kinh tế miền Bắc đang đối mặt với tình trạng tê liệt trong nhiều tháng do cạn kiệt nguồn ngoại tệ.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Việc Ông Kim Jong-un đứng ra tuyên bố tạm ngừng kế hoạch hành động quân sự với Hàn Quốc, đã được em gái công bố trước đó, được phân tích là phản ánh sự phân chia vai trò giữa hai anh em nhà lãnh đạo họ Kim. Một mặt, ông Kim muốn truyền đi thông điệp quyết liệt với Hàn Quốc, mặt khác lại đứng ra điều chỉnh mức độ cứng rắn ở giai đoạn cuối là nhằm tăng cường vị thế lãnh đạo, dập tắt bất mãn trong nội bộ, đồng thời gây sức ép để Hàn Quốc và Mỹ phải nhượng bộ tối đa. Trước mắt, quan hệ liên Triều đã thoát khỏi bờ vực sụp đổ, một số ý kiến còn hy vọng quan hệ song phương sẽ được khôi phục, cục diện bán đảo Hàn Quốc được xoay chuyển. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để hai bên có thể khôi phục quan hệ. Trong thời gian tới, thay vì tích cực nỗ lực hâm nóng quan hệ liên Triều, Bình Nhưỡng được cho là sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình để điều chỉnh lại chiến lược.

Lựa chọn của ban biên tập