Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Mỹ xóa bỏ hạn chế sử dụng nhiên liệu rắn với tên lửa vũ trụ

2020-08-01

Tin tức

ⓒ KBS

Phó Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Hyun-jong trong buổi họp báo ngày 28/7 cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã thông qua Hướng dẫn sửa đổi về phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ. Hướng dẫn mới có nội dung xóa bỏ hạn chế sử dụng nhiên liệu rắn với tên lửa vũ trụ từ ngày 28/7/2020, mở ra một chương mới cho Hàn Quốc trong phát triển tên lửa vũ trụ.


Nội dung sửa đổi

Hướng dẫn phát triển tên lửa được chia làm ba lĩnh vực là tên lửa đạn đạo quân sự, tên lửa dẫn đường quân sự và tên lửa vũ trụ. Nội dung sửa đổi lần này áp dụng với lĩnh vực tên lửa vũ trụ. Trước đây, lực đẩy của tên lửa vũ trụ bị giới hạn ở 1 triệu pound/giây. Tuy nhiên, để phóng được tên lửa lên vũ trụ cần lực đẩy từ 50 triệu đến 60 triệu pound/giây, đồng nghĩa Hàn Quốc không thể phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn với quy định này. Giờ đây, hạn chế này đã bị xóa bỏ hoàn toàn, cánh cửa phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn đã rộng mở với Hàn Quốc. Phó Chánh Văn phòng Kim giải thích từ nay, tất cả các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cá nhân mang quốc tịch Hàn Quốc sẽ có thể tự do nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sở hữu tên lửa vũ trụ sử dụng nhiên liệu lỏng, rắn, hay tên lửa lai sử dụng cả hai loại nhiên liệu. Hướng dẫn sửa đổi lần này đã thiết lập nền tảng giúp cải thiện hạ tầng ngành công nghiệp vũ trụ của Hàn Quốc. “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc” mà Seoul mới công bố sẽ mở rộng sang cả lĩnh vực vũ trụ.


Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ 

Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ được lập ra theo nhất trí giữa hai nước năm 1979, với nội dung trọng tâm là quy định về việc phát triển tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Mục đích của hướng dẫn là để Hàn Quốc nhận chuyển giao công nghệ tên lửa từ Mỹ, đặt ra các giới hạn nhất định nhằm ngăn chặn cạnh tranh mở rộng quân bị quá mức ở khu vực Đông Bắc Á. Trước đây, Hàn Quốc chỉ được phép phát triển tên lửa có trọng lượng đầu đạn 500 kg, tầm bắn trong khoảng 180 km. Tuy nhiên, sau ba lần sửa đổi vào các năm 2001, 2012 và 2017 cho phù hợp với thay đổi của môi trường an ninh, giới hạn tầm bắn tên lửa đã được nâng thành 800 km và trọng lượng đầu đạn là không giới hạn.


Ý nghĩa và triển vọng

Do bị ràng buộc bởi hướng dẫn hiện hành nên trong thời gian qua, Hàn Quốc chỉ có thể phát triển tên lửa vũ trụ sử dụng nhiên liệu lỏng. Bên cạnh những ưu điểm về lực đẩy, có lợi với tên lửa tầm xa, nhiên liệu lỏng cũng có nhiều nhược điểm như cấu trúc tên lửa phức tạp và thời gian nạp nhiên liệu dài, quá trình đốt cháy nhiên liệu không ổn định, các yếu tố rủi ro, chi phí cao. Ngược lại, nhiên liệu rắn dù lực đẩy yếu hơn nhưng có rất nhiều ưu điểm, như nhiên liệu có thể trữ sẵn bên trong tên lửa, không cần thời gian nạp nhiên liệu, có thể di chuyển và phóng tên lửa nhanh chóng. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn không có rủi ro, cấu trúc đơn giản, giá thành tương đối phải chăng.


Hướng dẫn sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc đẩy mạnh vượt bậc sức mạnh quốc phòng, trước tiên là nâng cao đáng kể năng lực tình báo, giám sát và trinh sát của quân đội. Trong thời gian qua, quân đội Hàn Quốc không có vệ tinh trinh sát độc lập nên phải phụ thuộc vào các trang thiết bị tình báo của Mỹ. Giờ đây, Seoul có thể phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn để phóng vệ tinh trinh sát riêng lên vũ trụ. Trên thực tế, quân đội đang triển khai kế hoạch liên quan. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thể phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Công nghệ tên lửa vũ trụ có thể chuyển đổi thành công nghệ tên lửa đạn đạo tầm trung, nên nếu được cho phép thì quân đội có thể sử dụng tên lửa vũ trụ vào mục đích quân sự. Còn nhiều hiệu quả kỳ vọng khác có thể kể đến như phát triển ngành công nghiệp vũ trụ trong nước, thúc đẩy các dự án phát triển vũ trụ tư nhân, thu hút nhân tài trẻ tham gia ngành công nghiệp vũ trụ, đưa quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ lên nấc thang mới.

Lựa chọn của ban biên tập