Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tòa án Hàn Quốc xúc tiến bán tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản trong vụ kiện cưỡng ép lao động thời chiến

2020-08-08

Tin tức

ⓒ YONHAP News

Thời hạn đăng công báo của Tòa án về lệnh tịch thu tài sản trong nước của công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo, doanh nghiệp Nhật Bản từng cưỡng ép lao động người Hàn Quốc trong thời chiến, đã kết thúc vào ngày 3/8. Theo đó, từ 0 giờ ngày 4/8, Tòa án đã có thể xúc tiến quy trình bán tài sản của công ty này tại Hàn Quốc để quy đổi sang tiền mặt, bồi thường cho các nạn nhân. Phía công ty Nhật Bản tuyên bố sẽ kháng nghị ngay lập tức, trong khi Chính phủ Tokyo lại để ngỏ khả năng sẽ trả đũa Seoul.


 Quy trình đăng công báo

Đăng công báo là quy trình được thực hiện khi Tòa án không biết rõ địa chỉ của đương sự hoặc đương sự không chịu nhận hồ sơ vụ kiện. Việc đăng công báo sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn đăng công báo thì coi như đương sự đã nhận hồ sơ vụ án.


Tòa án thành phố Pohang (tỉnh Bắc Gyeongsang) ngày 1/6 vừa qua đã đăng công báo về lệnh tịch thu tài sản đối với công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Tòa án đã gửi lệnh tịch thu tài sản cho công ty này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhiều lần hoàn trả lại hồ sơ cho phía Tòa án Hàn Quốc mà không đưa ra bất cứ giải thích nào. Thời hạn hiệu lực đăng công báo đã kết thúc vào ngày 3/8. Trong vòng một tuần, tức cho tới 0 giờ ngày 11/8, nếu công ty Nhật Bản không kháng nghị thì Tòa án sẽ tiến hành bán cổ phiếu của PNR, công ty liên doanh giữa công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo với công ty POSCO của Hàn Quốc, thành lập trong nước. Tuy nhiên quá trình bán tài sản quy đổi sang tiền mặt được dự đoán sẽ mất rất nhiều thời gian.


Toàn bộ quá trình

Vào năm 2005, 5 nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến của Hàn Quốc đã đệ trình Tòa án yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồithường thiệt hại do bị công ty này cưỡng ép lao động, xâm hại nhân quyền trong thời chiến. Phía nguyên cáo đã bị tuyên thua kiện trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất. Tuy nhiên tới năm 2012, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã hoàn trả hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới. Sau đó, Tòa án cấp cao Seoul đã xét xử lại vụ án, yêucầu doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân mỗi người 100 triệu won (84.100 USD). Vào ngày 30/10/2018, Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án tối cao đã ra quyết định cuối cùng, tuyên phía nguyên đơn thắng kiện, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân. Ngày 31/12/2018, các nạn nhân đã đề nghị Tòa án thành phố Pohang ban lệnh thu giữ cổ phiếu của công ty PNR và được Tòa án chấp thuận.


 Phản ứng của phía Nhật Bản và triển vọng

Công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo tuyên bố sẽ kháng nghị ngay lập tức. Phía bị đơn lập luận rằng quyền đòi bồi thường của các nạn nhân đã được giải quyết toàn diện và dứt điểm căn cứ theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965, tương tự lập trường từ trước tới nay của Chính phủ Thủ tướng Abe Shinzo. Nói cách khác, Seoul khó có thể kỳ vọng Tokyo sẽ thay đổi lập trường. Không chỉ dừng lại ở việc phản đối, Nhật Bản còn ngang nhiên đề cập tới việc trả đũa Hàn Quốc. Chánh Văn phòng Nội các, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản Suga Yoshihide, trong buổi họp báo 4/8 tuyên bố sẽ đối phó bằng nhiều cách khác nhau, trên quan điểm bảo hộ các hoạt động kinh tế chính đáng của doanh nghiệp nước này. Truyền thông Nhật Bản thậm chí còn nêu ra một số biện pháp trả đũa Seoul như nâng thuế quan, dừng giao dịch chuyển tiền, siết chặt điều kiện cấp visa cho công dân Hàn Quốc, cấm vận tài chính, tịch thu tài sản của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nhật Bản, rút Đại sứ quán tại Seoul về nước.


Vấn đề mấu chốt trong mâu thuẫn lần này giữa hai nước nằm ở việc công nhận quyền đòi bồi thường của các cá nhân nạn nhân từng bị cưỡng ép lao động trong thời chiến. Tokyo cho rằng quyền đòi bồi thường của các nạn nhân đã hết hiệu lực căn cứ theo Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965. Tuy nhiên, quyền đòi bồi thường thiệt hại của các nạn nhân được công nhận theo luật pháp quốc tế. Nội bộ Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến đồng tình.


 Dù Công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo không kháng nghị, lệnh tịch thu cổ phiếu có hiệu lực vào ngày 11/8, nhưng Tòa án Hàn Quốc vẫn chưa thể bán cổ phiếu lấy tiền mặt ngay lập tức. Để quy đổi tài sản của bị đơn sang tiền mặt thì Tòa án sẽ phải ban hành riêng một quyết định bán tài sản.

Lựa chọn của ban biên tập