Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phân tích đường lối chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới

2020-08-29

Tin tức

ⓒKBS News

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã được đề cử là ứng cử viên Tổng thống nhiệm kỳ mới của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong các cuộc họp toàn đảng gần đây, chính thức chạy đua cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra đầu tháng 11 tới. Có thể nói chính sách của hai ứng cử viên thuộc hai thái cực hoàn toàn khác nhau, chỉ trừ một số vấn đề như bảo hộ mậu dịch, đường lối cứng rắn với Trung Quốc. Do vậy, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh tới tương lai của thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng.

 

Chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Đảng cầm quyền Cộng hòa vẫn duy trì đường lối chính sách tương tự 4 năm trước. Tổng thống Donald Trump đã công bố các bài toán trọng điểm mà ông sẽ xúc tiến nếu tái đắc cử thành công. Trong đó, ông Trump cam kết duy trì chính sách “chủ nghĩa cô lập mới” trên nền tảng “chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ” mà ông từng tuyên bố, đồng thời cam kết đẩy mạnh bảo hộ mậu dịch, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ. Đặc biệt, trong hạng mục “chính sách ngoại giao chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ”, ông Trump nêu rõ “sẽ dừng các cuộc chiến tranh không có hồi kết, đưa binh lính về nước”, và “khiến các nước đồng minh của Mỹ chia sẻ công bằng chi phí quân sự”. Ngược lại, ứng cử viên Biden của đảng Dân chủ tuyên bố sẽ “quay ngược 180 độ” chính sách ngoại giao và an ninh hiện hành của Tổng thống Trump, như chấm dứt “chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ”, đổi mới năng lực lãnh đạo. Ông Biden đưa ra các biện pháp cụ thể như tái thúc đẩy ngoại giao nước Mỹ, tái thiết quan hệ với các nước đồng minh. Ngoài ra, ông Biden tuyên bố sẽ tái gia nhập Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, chỉ ra rằng việc ông Trump rút khỏi các tổ chức, hiệp định này đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Washington. Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên đều tuyên bố sẽ tăng cường bảo hộ người lao động Mỹ, qua đó dự báo tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ông Biden và ông Trump cũng đồng thời chỉ ra các thông lệ thương mại bất công bằng của Trung Quốc, với hàm ý sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Bắc Kinh.

 

Tái thiết quan hệ đồng minh

Một điểm đáng chú ý là chính sách với các nước đồng minh của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Tổng thống Trump nhấn mạnh về “phân chia chi phí quân sự công bằng” với các nước đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đức, Nhật Bản. Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã nâng mức chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ, nhưng Washington vẫn tiếp tục gây sức ép, yêu cầu Seoul nâng tiếp khoản gánh vác của mình. Quá trình đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ đang diễn ra hết sức khó khăn. Ngược lại, ứng cử viên Biden chỉ trích ông Trump coi thường các nước đồng minh, làm giảm sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với nước Mỹ. Ông này tự nhận mình là người gìn giữ trật tự quốc tế, nhấn mạnh hợp tác đa phương nhằm nâng cao vai trò của Mỹ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nếu đắc cử Tổng thống, dự kiến ông Biden sẽ tuyên bố “tái thiết” quan hệ đồng minh với các nước, bao gồm cả NATO.

 

Ảnh hưởng tới Hàn Quốc

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh việc rút binh lính Mỹ đóng tại các nước, phân chia chi phí quân sự công bằng, nên nếu ông này tái đắc cử thì dự kiến Hàn Quốc sẽ phải chịu sức ép lớn hơn nữa. Mặc dù có vẻ ông Trump đặt trọng tâm vào việc rút quân đội Mỹ đóng tại Trung Đông, nhưng không loại trừ khả năng ông này cũng sẽ cắt giảm quân đồn trú tại Hàn Quốc tùy theo tình hình.

Điểm đáng chú ý khác là chính sách với Bắc Triều Tiên của hai ứng cử viên. Tổng thống Donald Trump liên tục tự ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, chuộng phương thức đàm phán “Top-Down”, tức từ cấp thượng đỉnh tới cấp chuyên viên. Còn ứng cử viên Biden lại đi theo đường lối “kiên nhẫn chiến lược” từ thời Chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama, nên nếu ông này đắc cử Tổng thống, đàm phán giữa Mỹ với Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ đi từ cấp chuyên viên lên cấp thượng đỉnh. Theo đó, nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử thì đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được đẩy nhanh, còn nếu ông Biden đắc cử thì có khả năng vấn đề hạt nhân miền Bắc sẽ duy trì tình trạng bế tắc như hiện nay trong ngắn hạn.

Lựa chọn của ban biên tập