Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tác động từ lệnh cấm vận bổ sung của Mỹ với Huawei tới doanh nghiệp Hàn Quốc

2020-09-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Lệnh cấm vận bổ sung của Mỹ với hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, khiến dư luận lo ngại các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại lớn. Đặc biệt, Huawei chiếm tỷ trọng không nhỏ trong doanh thu của các doanh nghiệp chíp bán dẫn Hàn Quốc như điện tử Samsung, SK Hynix, nên dự báo các doanh nghiệp này sẽ không tránh khỏi bị giảm doanh thu trong ngắn hạn, các ngành công nghiệp liên quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Mỹ trừng phạt bổ sung Huawei

Bộ Thương mại Mỹ ngày 17/8 vừa công bố lệnh trừng phạt bổ sung với Huawei, nối tiếp biện pháp cấm vận hồi tháng 5 là cấm nhập “chíp bán dẫn do Huawei thiết kế”. Biện pháp trừng phạt bổ sung lần này có nội dung cấm các doanh nghiệp cung cấp chíp bán dẫn được sản xuất bằng trang thiết bị, công nghệ, thiết kế của Mỹ cho Huawei khi chưa được Washington phê chuẩn. Thực tế, trên thị trường chíp bán dẫn, hầu như không có lĩnh vực nào là không sử dụng tới công nghệ của Mỹ, từ thiết kế, phần mềm, tới trang thiết bị sản xuất. Do vậy, đối tượng của lệnh cấm này có thể coi là toàn bộ mặt hàng chíp bán dẫn. Theo đó, các hãng sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc như điện tử Samsung, SK Hynix sẽ không thể cung cấp mọi chủng loại chíp bán dẫn cho Huawei nếu không được Chính phủ Mỹ cho phép. Tất nhiên, các doanh nghiệp có thể phớt lờ lệnh cấm này, vẫn cung cấp chíp bán dẫn cho Huawei. Song xét tới sự chi phối và tầm ảnh huỏng của Mỹ thì trên thực tế, việc đi ngược lại lệnh cấm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó tự rút khỏi thị trường bán dẫn toàn cầu.

 

Thiệt hại doanh nghiệp trong nước

Các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn lớn trong nước như điện tử Samsung, SK Hynix đã tuyên bố dừng cung cấp chíp bán dẫn cho Huawei từ ngày 15/9, khi lệnh cấm vận bổ sung của Mỹ có hiệu lực. Huawei là một trong 5 đối tác mang về doanh thu lớn nhất của điện tử Samsung, trải đều ở tất cả các mảng kinh doanh, đồng thời là khách hàng lớn nhất của hãng SK Hynix. Trong năm 2019, Huawei chiếm 3,2% tỷ trọng doanh thu của điện tử Samsung, đạt 7.300 tỷ won (6,16 tỷ USD); và chiếm 11,4% doanh thu của SK Hynix, khoảng 3.000 tỷ won (2,53 tỷ USD). Điều này cho thấy việc dừng cung cấp chíp bán dẫn cho Huawei ngay lập tức sẽ tác động tới doanh thu của hai hãng này. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn, các doanh nghiệp sản xuất màn hình như Samsung Display và LG Display cũng không tránh khỏi bị thiệt hại. Đó là bởi bộ điều khiển màn hình (Display Driver IC), một loại chíp bán dẫn mà các hãng này đang cung cấp cho Huawei, cũng nằm trong đối tượng cấm vận của Mỹ. Theo đó, trong thời gian tới, hai hãng trên sẽ không thể bán màn hình gắn sẵn loại chíp này cho Huawei. Nếu doanh thu của các doanh nghiệp màn hình, chíp bán dẫn bị tụt giảm sẽ kéo các công ty đối tác, các doanh nghiêp liên quan khác bị thiệt hại liên đới.

Hãng LG U+, nhà mạng Hàn Quốc đang nhập trang thiết bị mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) từ Huawei cũng đang đứng trước sức ép phải tìm kiếm một nhà cung ứng khác từ Mỹ.

 

Đối phó và triển vọng

Được biết, điện tử Samsung và SK Hynix đều đã đệ trình Chính phủ Mỹ cho phép giao dịch với Huawei. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng Mỹ chấp thuận là không cao. Theo đó, doanh thu quý IV của các doanh nghiệp này sẽ không tránh khỏi bị tụt giảm. Tuy nhiên, một số ý kiến lại nhận định lạc quan rằng thiệt hại từ lệnh cấm vận của Mỹ với Huawei sẽ không kéo dài. Trước tiên, các doanh nghiệp khác của Trung Quốc sẽ lấp lỗ hổng của Huawei. Ngoài ra, do các doanh nghiệp trong nước cũng đã có thời gian chuẩn bị tìm kiếm đối tác cung ứng thay thế trước khi lệnh cấm vận Huawei có hiệu lực, nên cũng giảm nhẹ được phần nào cú sốc về tụt giảm doanh thu.

Lựa chọn của ban biên tập