Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ngày Quốc tế Bầu trời xanh lần thứ nhất

2020-09-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Liên hợp quốc ngày 8/9 (giờ địa phương) đã tổ chức lễ kỷ niệm "Ngày Quốc tế Bầu trời xanh" (tên đầy đủ tiếng Anh là "International Day of Clean Air for blue skies") lần thứ nhất. Trong video chúc mừng gửi tới sự kiện, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đề xuất lập ngày này vào năm ngoái, phát biểu thế giới đang kiểm điểm sâu sắc về các vấn đề môi trường và khí hậu khi đứng trước thiên tai, dịch bệnh. Môi trường và khí hậu đang trở thành một bài toán cấp thiết không thể trì hoãn trì hoãn hơn nữa.

 

Lễ kỷ niệm

Lễ kỷ niệm năm nay được diễn ra với chủ đề "Không khí sạch cho tất cả" (Clean Air for All), có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Tijani Muhammad-Bande. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc Cho Myung-rae đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đối phó với ô nhiễm không khí, vì một bầu không khí trong sạch. Bộ trưởng Cho giới thiệu Seoul đang xúc tiến Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc (Korean New Deal), trong đó Chính sách kinh tế mới xanh (Green New Deal) là một phần rất quan trọng. Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Cho Hyun cũng trình bày về kế hoạch phá dỡ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá của Hàn Quốc, đề xuất các nước cắt giảm khí thải gây ô nhiễm ở lĩnh vực phát điện bằng than đá và chế tạo.

 

Trước đó, trong bài phát biểu tại "Hội nghị thượng đỉnh hành động vì khí hậu" thuộc khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 năm ngoái diễn ra tại New York (Mỹ), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất Liên hợp quốc chỉ định ngày "Bầu trời xanh". Vào tháng 12 cùng năm, Ủy ban thứ hai của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí toàn diện, thông qua dự thảo nghị quyết có nội dung chỉ định ngày 7/9 là Ngày Quốc tế Bầu trời xanh. Đây là ngày kỷ niệm chính thức đầu tiên của Liên hợp quốc được thông qua theo đề xuất của Hàn Quốc. Ngày Quốc tế Bầu trời xanh (7/9) cũng là ngày kỷ niệm quốc gia của Hàn Quốc, nhằm nâng cao hiểu biết và sự quan tâm của người dân về môi trường không khí và biến đổi khí hậu.

 

Bài phát biểu chúc mừng của Tổng thống

Ngày 7/9, Tổng thống Hàn Quốc đã gửi video chúc mừng Ngày Quốc tế Bầu trời xanh lần thứ nhất. Ông Moon chỉ ra rằng việc thường xuyên xuất hiện bão vào mùa thu, hay dịch bệnh COVID-19 càn quét nhân loại từ đầu năm nay đều có liên quan mật thiết tới biến đổi khí hậu. Tổng thống giới thiệu trong thời gian qua, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và người dân, nồng độ bụi siêu nhỏ tại Hàn Quốc đã được cải thiện, nhưng nồng độ bụi nhỏ vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển lớn. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và an toàn hơn. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc sẽ đóng cửa 10 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá và đóng cửa thêm 20 nhà máy khác cho tới năm 2034. Seoul cũng có kế hoạch mở rộng gấp ba lần hạ tầng thiết bị năng lượng mặt trời và sức gió cho tới năm 2025 (so với năm 2019). Về nỗ lực giảm bụi nhỏ, Tổng thống nhắc lại việc ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã soạn thảo báo cáo chung về bụi nhỏ vào tháng 11 năm ngoái, khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia láng giềng riêng trong vấn đề môi trường. Ngoài ra, Tổng thống cũng giới thiệu Chính sách kinh tế mới xanh, một trục quan trọng của Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc. Đây vừa là một chiến lược quốc gia nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng COVID-19, vừa là chính sách đối phó với khủng hoảng khí hậu. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tạo thêm 660.000 việc làm cho tới năm 2025.

 

Ý nghĩa

“Bầu trời xanh” có thể coi là vấn đề cấp thiết nhất trong thời điểm hiện nay, khi toàn thế giới đang phải gánh chịu nhiều tai ương do biến đổi khí hậu gây ra. Liên hợp quốc lập ra Ngày Quốc tế Bầu trời xanh vào thời điểm này cũng đã bị coi là khá muộn.

 

Một sự thật là Hàn Quốc vẫn còn thua xa các nước phát triển trong đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Chính phủ Seoul đang có những bước đi nhanh chóng, triển khai những đối sách quyết liệt nhất. Tiêu biểu như chính sách xóa bỏ dần nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, giảm tỷ trọng sử dụng than đá trong tổng tiêu thụ năng lượng từ mức 27% năm 2019 xuống 25% năm 2024. Tỷ trọng năng lượng tái tạo cũng sẽ được nâng từ 6,3% lên 8%.

Lựa chọn của ban biên tập