Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mỹ cấm vận toàn diện Huawei từ 15/9

2020-09-19

Tin tức

ⓒYONHAP News

Lệnh cấm vận bổ sung của Chính phủ Mỹ với hãng thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/9. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp chíp bán dẫn trên thế giới sẽ không thể bán hàng cho hãng này khi chưa được Bộ Thương mại Mỹ cho phép. Dự báo các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi thiệt hại trong ngắn hạn.

 

Mỹ cấm vận Huawei

Từ sau tháng 5/2019, Mỹ đã liên tục siết chặt cấm vận với hãng Huawei. Trong giai đoạn đầu, Washington cấm các doanh nghiệp nước này giao dịch với Huawei khiến công ty Trung Quốc không thể mua linh kiện chíp bán dẫn từ các doanh nghiệp của Mỹ như Qualcomm. Huawei cũng không thể sử dụng hệ điều hành Android của Google, nên mảng kinh doanh smartphone của hãng này đã chịu thiệt hại lớn. Tháng 5 năm nay, Mỹ ban tiếp lệnh cấm sản xuất, nhập chíp bán dẫn do Huawei thiết kế nhằm ngăn chặn công ty Trung Quốc “đi đường vòng” né cấm vận bằng cách ủy thác cho công ty TSCM của Đài Loan sản xuất và cung cấp chíp bán dẫn. Ngày 17/8, Mỹ công bố lệnh bổ sung, cấm các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn trên toàn thế giới bán sản phẩm sử dụng dù chỉ một phần nhỏ công nghệ của Mỹ cho Huawei. Trên thực tế, hầu như không có loại chíp bán dẫn nào không sử dụng công nghệ của Mỹ, nên lệnh cấm vận bổ sung của Washington không khác nào phong tỏa hoàn toàn mạng cung cấp chíp bán dẫn của Huawei. Tất cả các sản phẩm chính của Huawei như bộ xử lý ứng dụng, được coi là “đầu não” của smartphone; chíp viễn thông; bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) đều cần tới linh kiện chíp bán dẫn. Do đó, lệnh cấm vận lần này của Mỹ đang đẩy hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc đến “ngã rẽ tồn vong”.

 

Ảnh hưởng tới Hàn Quốc

Các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn của Hàn Quốc như điện tử Samsung, SK Hynix đã ngừng giao dịch với Huawei từ ngày 15/9. Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ không tránh khỏi cú sốc lớn trong ngắn hạn. Không chỉ doanh nghiệp chíp bán dẫn, các công ty sản xuất màn hình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), trong vòng 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc đạt 54,74 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22,48 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 41%. Tiếp theo là xuất khẩu sang Hong Kong đạt 11,37 tỷ USD, chiếm 20,8%. Một lượng lớn chíp bán dẫn xuất sang Hong Kong lại được xuất tiếp sang Trung Quốc. Do đó trên thực tế, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn mức 41% rất nhiều. Tất nhiên, không phải toàn bộ sản lượng xuất khẩu trên chỉ dành cho Huawei. Xuất khẩu chíp bán dẫn cho Huawei của hãng điện tử Samsung trong năm 2019 là 7.300 tỷ won (6,21 tỷ USD), chiếm 3,2%; của hãng SK Hynix là khoảng 3.000 tỷ won (2,55 tỷ USD), chiếm 11,4%.

 

Nếu lệnh cấm vận trên kéo dài một năm thì sẽ ảnh hưởng tới khoảng 10.000 tỷ won (8,5 tỷ USD) doanh thu chíp bán dẫn và màn hình Hàn Quốc. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn của Seoul, nhưng rõ ràng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ.

 

Thị trường chíp bán dẫn thế giới đang thay đổi đột ngột

Về trung và dài hạn, giới chuyên gia dự đoán tình hình hiện nay ngược lại có thể trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc “chuyển họa thành phúc”. Dù Huawei có rút lui khỏi thị trường thì lỗ hổng đó sẽ nhanh chóng có doanh nghiệp khác thay thế. Trên thực tế, điện tử Samsung và SK Hynix đều đã tìm đối tác cung ứng thay thế cho lỗ hổng của Huawei. Còn ở mảng kinh doanh smartphone, các doanh nghiệp Hàn Quốc ngược lại sẽ có thể hưởng lợi do trước đó, Huawei đứng thứ nhất thế giới về thị phần smartphone.

 

Thị trường chíp bán dẫn thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng, ngoài việc Mỹ cấm vận Huawei, hãng phát triển bộ xử lý đồ họa của Mỹ NVIDIA còn đang xúc tiến mua lại công ty thiết kế chíp bán dẫn lớn nhất thế giới ARM.

Lựa chọn của ban biên tập