Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Văn phòng ngân sách Quốc hội dự báo về kinh tế Hàn Quốc

2020-10-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Văn phòng ngân sách Quốc hội Hàn Quốc (NABO) ngày 30/9 công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế năm 2021 và trung hạn”, trong đó dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, sau đó chuyển sang xu hướng hồi phục trong năm sau, và tăng trưởng gần 3% vào năm 2022.


Dự báo của NABO

Trong báo cáo trên, Văn phòng ngân sách Quốc hội dự báo tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc năm nay đạt -1,6%. Tuy nhiên bước sang năm 2021, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 sẽ giảm dần, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3%, và tăng trưởng tiếp 2,8% vào năm 2022 rồi dần chững lại. Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng trong vòng 5 năm 2020-2024 là 2%/năm, giảm 0,6% so với 5 năm trước.


Theo dự báo trên, mức đóng góp tăng trưởng của tiêu dùng Chính phủ và đầu tư thiết bị sẽ tăng. Ngược lại, mức đóng góp của tiêu dùng tư nhân và đầu tư xây dựng sẽ giảm. Đặc biệt, báo cáo nhận định mức đóng góp tăng trưởng kinh tế của vốn sẽ giảm mạnh. NABO chỉ ra rằng để nâng cao tiềm năng tăng trưởng cho nền kinh tế, điều quan trọng hơn cả là Chính phủ phải mở rộng đầu tư. Ngoài ra, Văn phòng ngân sách Quốc hội dự báo GDP bình quân đầu người năm nay của Hàn Quốc sẽ đạt 30.582 USD, và tăng lên 32.023 USD vào năm sau.


Xu hướng nâng dự báo gần đây

Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2020 của Văn phòng ngân sách Quốc hội khá thấp so với dự báo của các cơ quan khác. Một trong những mức dự báo lạc quan hơn là -0,9% theo báo cáo ngày 24/9 của Standard & Poor's (S&P), một trong ba công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới. S&P phân tích nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục, và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.


Theo S&P, mặc dù dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, song cú sốc đối với kinh tế Hàn Quốc đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Mặc dù tốc độ hồi phục ở mỗi quốc gia có sự khác biệt, nhưng nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ duy trì đà hồi phục, dẫn đầu là Trung Quốc. Hãng này cũng nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ mức 1,2% lên 2,1%, Đài Loan từ 0,6% lên 1%, Việt Nam từ 1,2% lên 1,9%.


Triển vọng S&P đưa ra lạc quan hơn nhiều so với các tổ chức trong và ngoài nước khác, phần lớn đều thấp hơn -1%. Cụ thể, mức dự báo của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) là -1,3%, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) là -1,1%, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là -1%.


Tuy nhiên, vẫn còn khả năng các tổ chức này sẽ nâng dự báo vì cú sốc từ dịch COVID-19 tới kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng giảm nhẹ dần. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 24/9 đưa ra dự báo ít nghiêm trọng hơn về nền kinh tế toàn cầu so với báo cáo hồi tháng 6, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ nâng dự báo trong thời gian tới.


Kịch bản tồi tệ nhất

Tất nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn những nhận định lạc quan này có thành sự thật hay không. Không thể nói trước được dịch COVID-19 sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới. Toàn bộ Bắc bán cầu đang chuẩn bị bước vào mùa đông, gây lo ngại lớn về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm COVID-19 mới đang ở mức thấp nhưng vẫn chưa thực sự ổn định, lúc lên lúc xuống. 


Do đó, trong kịch bản xấu nhất là các công ty zombie (có doanh thu đủ để trả lãi chứ không giảm được nợ gốc) gia tăng, bong bóng tài sản vỡ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc tính từ nửa cuối năm nay tới hết nửa đầu năm sau sẽ có thể giảm tới 4,5%. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định chỉ có 5% khả năng xảy ra kịch bản tồi tệ nhất, nhưng cũng không phủ nhận rằng nguy cơ này đang ngày một lớn dần.

Lựa chọn của ban biên tập