Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Seoul và Tokyo áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt cho nhân lực doanh nghiệp

2020-10-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 6/10 công bố đã nhất trí áp dụng “Quy trình nhập cảnh đặc biệt cho nhân lực doanh nghiệp Hàn-Nhật”, trong đó cho phép nhân lực của doanh nghiệp hai nước nhập cảnh vào nước đối phương để tiến hành các hoạt động kinh tế mà không phải cách ly nếu tuân thủ một số quy trình phòng dịch nhất định. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ khơi thông hoạt động giao lưu kinh tế giữa hai nước sau một thời gian trở ngại vì dịch COVID-19.


Thực thi Quy trình nhập cảnh đặc biệt Hàn-Nhật

Quy trình nhập cảnh đặc biệt Hàn-Nhật chia làm hai hình thức là “kinh doanh” áp dụng với người công tác ngắn hạn và “cư trú” áp dụng với người cư trú dài hạn.


Với hình thức “kinh doanh”, các nhân lực doanh nghiệp Hàn Quốc công tác ngắn hạn tại Nhật Bản sẽ phải trình giấy cam kết của đơn vị đối tác Nhật Bản cùng kế hoạch hoạt động tại Nhật lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc để xin cấp visa, và sẽ được miễn cách ly sau khi nhập cảnh nếu tuân thủ một số quy trình phòng dịch đặc biệt. Các quy trình này bao gồm theo dõi tình hình sức khỏe bản thân 14 ngày trước khi xuất cảnh, lấy giấy xác nhận âm tính với virus COVID-19 trong vòng 72 tiếng trước khi lên máy bay, tham gia bảo hiểm tư nhân như bảo hiểm du lịch có thể áp dụng tại Nhật Bản. Sau khi nhập cảnh, người đó sẽ phải xét nghiệm COVID-19 thêm một lần nữa và theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân trong vòng 14 ngày thông qua ứng dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, trong vòng hai tuần, người đó không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà chỉ được di chuyển bằng xe riêng từ nơi ở tới nơi làm việc.


Với hình thức “cư trú”, người tới Nhật Bản với mục đích cư trú dài hạn không cần nộp kế hoạch hoạt động tại Nhật Bản khi xin cấp visa, thay vào đó sẽ phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, nếu người đó được cấp visa cư trú dài hạn với mục đích đặc biệt như kinh doanh, chuyên viên của doanh nghiệp, thì sẽ được miễn cách ly tương tự như hình thức “kinh doanh”.


Quy trình nhập cảnh đặc biệt áp dụng với nhân lực của doanh nghiệp Nhật Bản thăm Hàn Quốc cũng tương tự như trên.
 

Ý nghĩa

Tháng 3 vừa qua, Nhật Bản công bố cấm công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào nước này nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng biện pháp tương tự, khiến giao lưu nhân lực giữa hai nước gián đoạn. Tiếp đó, Tokyo cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài đến từ 159 quốc gia toàn thế giới, trong đó có Hàn Quốc, nếu thăm Nhật Bản mà không có lý do đặc biệt. Tuy nhiên bước sang tháng 10, nước này bắt đầu cho phép nhân lực doanh nghiệp Hàn Quốc nhập cảnh với mục đích cư trú dài hạn. Lần này, hai bên đã đạt thỏa thuận áp dụng Quy trình nhập cảnh đặc biệt, mở ra con đường khôi phục giao lưu nhân lực Hàn-Nhật sau 7 tháng.


Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba và đối tác giao lưu nhân lực lớn thứ hai của Hàn Quốc. Ước tính mỗi năm, có hơn 300.000 nhân lực doanh nghiệp Hàn Quốc sang thăm Nhật Bản với mục đích công tác ngắn hạn.


Nhật Bản là quốc gia thứ 5 ký kết thỏa thuận về quy trình nhập cảnh đặc biệt với nhân lực của doanh nghiệp Hàn Quốc, sau Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Indonesia và Singapore. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước thứ hai Nhật Bản ký kết thỏa thuận này sau Singapore.


Kỳ vọng về sự cải thiện quan hệ Hàn-Nhật

Thỏa thuận lần này mang ý nghĩa rất lớn, bởi đây là trường hợp hợp tác đầu tiên giữa Seoul và Tokyo sau khi Chính phủ tân Thủ tướng Suga Yoshihide ra mắt. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kỳ vọng sau thỏa thuận này, giao lưu nhân lực giữa hai nước sẽ chính thức được nối lại. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng đối tượng được áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia láng giềng quan trọng của nhau, do đó việc đưa giao lưu kinh tế song phương quay lại quỹ đạo bình thường là hết sức quan trọng.


Dư luận kỳ vọng thỏa thuận đạt được lần này sẽ là cơ hội để hai nước cải thiện quan hệ song phương đã đóng băng toàn diện suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng quan hệ song phương sẽ khó cải thiện ngay lập tức, bởi hai bên đạt được nhất trí là do thỏa thuận mang lại lợi ích kinh tế cho cả Seoul và Tokyo. Hiện tại, hai nước vẫn đang chênh lệch lập trường sâu sắc về phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc liên quan tới việc bồi thường cho các nạn nhân cưỡng ép lao động thời chiến, căn nguyên sâu xa của mâu thuẫn Hàn-Nhật hiện nay.

Lựa chọn của ban biên tập