Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ NAND của Intel

2020-10-24

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhà sản xuất chíp bán dẫn SK Hynix của Hàn Quốc đã quyết định mua lại mảng kinh doanh chíp nhớ NAND của hãng Intel (Mỹ), với tổng trị giá 9 tỷ USD. Thị trường chíp nhớ toàn cầu được dự báo sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn sau thương vụ lần này. Đặc biệt hai doanh nghiệp Hàn Quốc là điện tử Samsung và SK Hynix sẽ cạnh tranh vị trí đứng đầu, tăng sức chi phối của chíp nhớ Hàn Quốc trên thị trường thế giới.

 

SK mua lại mảng NAND của Intel

Hãng SK Hynix ngày 20/10 công bố đã ký kết hợp đồng mua lại mảng kinh doanh chíp nhớ NAND của gã khổng lồ Intel với giá trị 9 tỷ USD. Hãng đã hoàn tất bỏ phiếu tại cuộc họp của Hội đồng quản trị vào sáng cùng ngày. 9 tỷ USD là giá trị mua lại cao kỷ lục trong số các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Hàn Quốc, vượt qua cả thương vụ điện tử Samsung mua lại hãng sản xuất phụ tùng điện tử ô tô Harman hồi năm 2016 là 8 tỷ USD. Thỏa thuận mua lại trên bao gồm toàn bộ mảng kinh doanh NAND của Intel, trong đó có cả bộ phận ổ cứng SSD, tấm bán dẫn (wafer), nhà máy sản xuất của Intel tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), nhưng không bao gồm mảng chíp nhớ thế hệ mới Optane của doanh nghiệp Mỹ này.

 

Bối cảnh

Việc SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ NAND của Intel là bởi hãng tương đối yếu ở lĩnh vực này so với mảng kinh doanh bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM). SK Hynix hiện đang đứng thứ hai thế giới về DRAM, nhưng trong khi DRAM chiếm 72% tổng doanh thu của hãng (quý II) thì chíp nhớ NAND chỉ chiếm 24%, cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng. Do đó, chỉ cần giá DRAM biến động sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của công ty, gây ra bất ổn lớn. SK Hynix đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua để khắc phục điểm yếu này. Năm 2014, hãng đã mua lại mảng Firmware (phần mềm dành cho ổ cứng) của công ty phát triển phần mầm Softeq Development (Belarus) và bộ phận thẻ nhớ PCIe từ công ty Violin Memory của Mỹ. Tiếp đó, vào năm 2017, hãng tiếp tục đầu tư quy mô 4.000 tỷ won (3,5 tỷ USD) cho công ty Toshiba cũ của Nhật Bản, nay là Kioxia. Mặc dù vậy, SK Hynix vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn hạn chế ở lĩnh vực chíp nhớ NAND. Do đó, lần này hãng quyết định tung quân bài phân thắng bại là đầu tư 9 tỷ USD để mua lại mảng NAND của Intel. Triển vọng trong thời gian tới là hết sức tích cực. Sau thương vụ này, SK Hynix sẽ có được cơ cấu kinh doanh ổn định ở lĩnh vực chíp nhớ, có thể đối phó một cách linh hoạt, bất kể có biến động giá cả trên thị trường chíp bán dẫn. Tỷ trọng của mảng DRAM trên doanh thu của SK Hynix sẽ giảm xuống còn 60%, trong khi tỷ trọng của mảng chíp nhớ NAND sẽ được tăng lên thành 40%.

 

K-Memory mở rộng chi phối thị trường thế giới

Theo hãng điều tra thị trường Omdia, tính tới cuối năm ngoái, hãng điện tử Samsung đứng đầu về thị phần NAND toàn cầu, chiếm 35,9%, của SK Hynix là 9,9%, Intel là 9,5%. Sau khi SK Hynix và Intel hoàn tất thương vụ trên thì thị phần của SK Hynix sẽ tăng lên thành 20%, vượt qua hãng Kioxia của Nhật Bản đang giữ thị phần 19% để trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, hãng dự kiến sẽ dẫn đầu thế giới, vượt qua điện tử Samsung, ở thị trường ổ cứng SSD dành cho doanh nghiệp, một thế mạnh của Intel. Ở lĩnh vực DRAM, hai doanh nghiệp Hàn Quốc đang vững vàng vị trí hàng đầu. Tính tới quý II năm nay, thị phần của điện tử Samsung và SK Hynix lần lượt là 42,1% và 30,2%, gộp của hai công ty là hơn 72%. Ngược lại, ở thị trường chíp nhớ NAND flash, Samsung đứng thứ nhất với thị phần, đạt 33,8%, SK Hynix đứng thứ 5 với 11,4%, tổng thị phần của hai hãng gộp lại chỉ đạt 45%. Tuy nhiên, sau khi SK Hynix mua lại mảng NAND của Intel đang có thị phần 11,5%, thì dự kiến thị phần của SK và Samsung gộp lại sẽ đạt trên 56%.

Lựa chọn của ban biên tập