Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee qua đời

2020-10-31

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, cây đại thụ đại diện cho nền kinh tế Hàn Quốc, đã từ trần vào lúc 4 giờ sáng ngày 25/10 tại Bệnh viện Samsung Seoul, hưởng dương 78 tuổi. Ông Lee là nhà lãnh đạo thứ hai của tập đoàn Samsung, có công đưa Samsung, khi đó dù đứng thứ nhất trong nước nhưng gần như không tên tuổi trên thị trường thế giới, trở thành một doanh nghiệp đứng đầu toàn cầu.


Chủ tịch Lee Kun-hee tạ thế

Tháng 5/2014, ông Lee Kun-hee được phát hiện trong trạng thái bất tỉnh tại nhà riêng (phường Itaewon, quận Yongsan, Seoul) do nhồi máu cơ tim. Sau đó, ông Lee được đưa đến bệnh viện gần nhà để hồi sức tim phổi (CPR), rồi được chuyển tới Bệnh viện Samsung Seoul và được can thiệp bằng đặt stent động mạch vành tim. Ông Lee được điều trị ở phòng chăm sóc bệnh nhân nặng cho tới khi tim, phổi và não ổn định trở lại rồi được chuyển đến phòng bệnh thường để chăm sóc, và bình phục trở lại sau 15 ngày hôn mê. Sau nửa năm điều trị, sức khỏe ông Lee dần ổn định, có thể ngồi xe lăn và tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Nhưng cuối cùng, ông đã không thể qua khỏi sau 6 năm 5 tháng điều trị tại bệnh viện. Lễ tang Chủ tịch Lee Kun-hee đã được cử hành trang nghiêm vào ngày 28/10.

 

Công lao của Chủ tịch Lee

Ông Lee Kun-hee trở thành Chủ tịch đời thứ hai của tập đoàn Samsung vào năm 1987, sau khi cha mình là nhà sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul qua đời. Ông Lee sinh năm 1942 tại thành phố Daegu, là con trai út trong gia đình gồm 7 người con (3 nam, 4 nữ). Ông tốt nghiệp trung học phổ thông tại Seoul, sau đó học ngành Kinh tế thương mại tại Đại học Waseda của Nhật Bản, lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học George Washington (Mỹ). Những năm 1970, ông đã đến thung lũng Silicon của Mỹ, tìm kiếm hướng đi ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Năm 1978, ông được thăng chức, trở thành Phó Giám đốc Công ty xây dựng Samsung, bắt đầu học về việc điều hành tập đoàn với tư cách là người thừa kế của cha mình. Ban đầu, cha của ông định giao lại tập đoàn cho người con trai cả là cố Chủ tịch công ty phân bón Cheil Lee Maeng-hee. Tuy nhiên, sau đó người con trai cả bị “thất sủng” do vướng vào vụ bê bối buôn lậu đường hóa học, cuối cùng cha ông đã quyết định trao lại quyền kinh doanh tập đoàn cho con trai út. Sau khi nhà sáng lập tập đoàn qua đời vào năm 1987, ông Lee Kun-hee chính thức nhậm chức Chủ tịch. Năm 1993, ông tuyên bố đường lối kinh doanh mới, đặt nền móng đưa Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu. Khi đó, ông đã tập trung các thành viên ban lãnh đạo tập đoàn tại thành phố Frankfurt (Đức), và trở nên nổi tiếng bởi câu nói về sự đổi mới “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ con bạn”.

 

Sau đó, hãng điện tử Samsung đã có một bước nhảy vọt lớn, theo đuổi đường lối kinh doanh đặt trọng tâm vào chất lượng, vươn lên trở thành doanh nghiệp đứng đầu thế giới như ngày nay. Vào năm 1995, sau khi nghe báo cáo về việc chất lượng điện thoại di động có vấn đề, Chủ tịch Lee đã triệu tập hàng nghìn nhân viên ở nhà máy của hãng điện tử Samsung tại thành phố Gumi (tỉnh Bắc Gyeongsang), đốt hết tất cả những sản phẩm bị lỗi. Vụ việc nổi tiếng này được đánh giá là cơ hội để Samsung đạt được chất lượng hàng đầu thế giới như ngày nay. Năm 2006, điện tử Samsung vượt qua hãng Sony của Nhật Bản, vươn lên đứng số một thế giới ở thị trường tivi toàn cầu. Samsung cũng đã bắt kịp hãng Apple của Mỹ để dẫn đầu thị trường smartphone. Ngoài ra, Samsung còn đứng vị trí số một toàn cầu ở hơn 20 mặt hàng, trong đó có chíp nhớ. Giá trị vốn hóa thị trường của Samsung từng chỉ dừng ở mức 1.000 tỷ won (882,2 triệu USD theo tỷ giá hiện nay) vào năm 1987 đã tăng lên thành 390.000 tỷ won (344,07 tỷ USD) vào năm 2012, tổng tài sản đạt 500.000 tỷ won (441,11 tỷ USD).


Ý nghĩa

Việc Chủ tịch Samsung qua đời mang ý nghĩa biểu tượng, chấm dứt thời đại thế hệ lãnh đạo thứ hai của các tập đoàn lớn Hàn Quốc, và các thế hệ thứ ba và thứ tư đang dần lên nắm quyền. Các tập đoàn lớn Hàn Quốc đã trở thành trụ cột cho nền kinh tế trong thời kỳ tăng trưởng cao độ, tích cực khai thác các thị trường xuất khẩu mới, đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc thương mại. Tuy nhiên, quá trình này không tránh khỏi hệ lụy nghiêm trọng, như những đặc cách của Chính phủ cho các tập đoàn lớn, sự thông đồng giữa giới kinh tế và chính trị, và giao dịch bất công bằng. Thế hệ cũ đã chấm dứt, giờ đây giới doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải vượt qua bóng đen quá khứ, hướng tới sự minh bạch và đổi mới.

Lựa chọn của ban biên tập