Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc áp dụng chế độ giãn cách xã hội mới

2020-11-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi chế độ giãn cách xã hội đối phó với dịch COVID-19, chia nhỏ ba mức giãn cách như hiện hành thành 5 mức. Chính phủ giải thích sự thay đổi này là nhằm “phòng dịch chính xác hơn”, kết hợp hài hòa giữa phòng dịch và duy trì đời sống thường nhật của người dân, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.

 

Chia nhỏ mức giãn cách xã hội

Theo đó, giãn cách xã hội mức 1 được áp dụng khi số ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận dưới 100 ca, số ca nhiễm ở các địa phương khác dưới 30 ca. Giãn cách xã hội mức 1,5 áp dụng khi số ca nhiễm ở Seoul và các địa phương lân cận tăng lên trên 100 ca và các địa phương còn lại trên 30 ca. Riêng tỉnh Gangwon và đảo Jeju, tiêu chuẩn áp dụng là 10 ca do có dân số ít. Chính phủ sẽ nâng lên giãn cách xã hội mức 2 khi thỏa mãn một trong ba điều kiện: số ca nhiễm mới tăng gấp đôi ở mức giãn cách 1,5, xảy ra tình trạng lây lan mạnh ở hai thành phố lớn trở lên, số ca nhiễm trên phạm vi toàn quốc vượt ngưỡng 300 ca. Mức giãn cách 2,5 được áp dụng khi số ca nhiễm trên toàn quốc từ 400 đến trên 500 ca, hoặc tăng vọt lên gấp đôi. Mức giãn cách xã hội cao nhất là mức 3, áp dụng khi số ca nhiễm trên cả nước từ 800 đến trên 1000 ca, hoặc tăng gấp đôi. Có nghĩa là giãn cách mức 1 là giai đoạn phòng dịch trong đời sống, mức 1,5 đến 2 là giai đoạn dịch bệnh lây lan cục bộ ở địa phương nhất định, mức 2,5 đến 3 là giai đoạn dịch bệnh lây lan mạnh trên phạm vi toàn quốc. Với các cơ sở tập trung đông người, Chính phủ phân loại thành hai mức, gồm 9 loại hình cơ sở cần quản lý trọng điểm và 14 loại hình cơ sở quản lý thông thường, thay vì phân làm ba mức như trước đây là cơ sở rủi ro lây nhiễm thấp, trung bình và cao. Điều này nhằm giảm thiểu việc ban lệnh cấm kinh doanh, quản lý phòng dịch một cách chặt chẽ hơn. Quy chế giãn cách xã hội mới sẽ được áp dụng từ ngày 7/11, quy tắc phòng dịch sẽ được áp dụng khác nhau tùy theo mỗi địa phương.

 

Quy tắc phòng dịch

Việc đeo khẩu trang là bắt buộc với phần lớn các trường hợp. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà ở mức giãn cách 1. Từ mức giãn cách 1,5 trở lên, việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại cả các địa điểm ngoài trời tùy theo rủi ro lây nhiễm. Cho tới mức giãn cách 1,5, các sự kiện trên 500 người tham gia bắt buộc phải đăng ký trước và thảo luận với chính quyền địa phương. Chính phủ cấm các sự kiện tập trung trên 100 người ở mức 2, trên 50 ở mức 2,5 và trên 10 người ở mức cao nhất. Các trường học chỉ được phép cho hai phần ba số học sinh đến trường ở giãn cách mức 1 và 1,5, một phần ba số học sinh tới trường ở giãn cách mức 2 và 2,5 và chuyển hoàn toàn sang giảng dạy trực tuyến ở giãn cách mức 3. Ở lĩnh vực thể thao, ở giãn cách mức 1 chỉ được phép mở cửa 50% sức chứa của sân vận động, địa điểm thi đấu, giãn cách mức 1,5 là 30%, giãn cách mức 2 là 10%, giãn cách mức 2,5 là thi đấu không khán giả, mức 3 là dừng thi đấu. Các hoạt động tôn giáo cũng bị hạn chế, cấm tụ tập, ăn uống từ mức giãn cách 1,5 trở đi, và chỉ được phép tổ chức cầu nguyện trực tuyến khi ở giãn cách mức 3. Với các tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ khuyến nghị cho nhân viên làm việc tại nhà với tỷ lệ thích hợp ở mức giãn cách 1, tăng tỷ lệ làm việc tại nhà ở mức 1,5 đến 2. Đến mức giãn cách 2,5, Chính phủ sẽ khuyến nghị bố trí trên một phần ba nhân viên làm việc tại nhà. Mức giãn cách 3 thì doanh nghiệp phải cho toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà, trừ những nhân lực thiết yếu.

 

Ý nghĩa

Sự thay đổi lần này của Chính phủ phản ánh một thực tế là toàn thế giới đang bước vào thời kỳ “sống chung với COVID-19”. Do đó, không thể mãi hy sinh cuộc sống thường nhật, đặt ưu tiên hàng đầu vào phòng dịch như trước, mà cần phải kết hợp hài hòa giữa phòng dịch với các hoạt động thường nhật và kinh tế. Trên thực tế, nhiều người dân đang rơi vào trạng thái mệt mỏi cực độ vì phòng dịch, nhiều ngành nghề bị hạn chế hoặc cấm hoạt động kinh doanh đang đứng trước ngã rẽ “tồn vong”. Sự điều chỉnh cơ chế giãn cách xã hội lần này dự kiến sẽ giúp đời sống thường nhật của người dân trở nên “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, do vẫn còn rủi ro dịch COVID-19 tái bùng phát, nên mỗi cá nhân vẫn phải hết sức tích cực tham gia phòng dịch.

Lựa chọn của ban biên tập