Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Korean Air mua lại Asiana Airlines

2020-11-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air và công ty Hanjin KAL, cổ đông lớn nhất Korean Air, ngày 16/11 đã lần lượt mở cuộc họp của Hội đồng quản trị, thông qua phương án mua lại hãng hàng không Asiana Airlines. Một khi thương vụ này được hoàn tất, Korean Air sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Asiana Airlines, hợp nhất hai công ty để lọt vào Top 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới.

 

Thương vụ mua lại Asiana Airlines

Để mua lại Asiana Airlines, Korean Air cần số tiền là 1.800 tỷ won (1,61 tỷ USD). Hãng hàng không quốc gia có kế hoạch huy động số tiền này thông qua hình thức tăng vốn góp lên 2.500 tỷ won (2,24 tỷ USD) vào năm sau. Căn cứ theo hợp đồng ký kết với Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), Hanjin KAL sẽ được đầu tư 500 tỷ won (448,3 triệu USD) thông qua việc tăng vốn góp phân bổ qua bên thứ ba, và 300 tỷ won (269 triệu USD) qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổng cộng là 800 tỷ won (717,3 triệu USD), để tham gia vào việc tăng vốn góp cho Korean Air. KDB sẽ cân nhắc tới tính cấp thiết của thương vụ để cho Korean Air vay 800 tỷ won (717,3 triệu USD). Với khoản tiền này, Korean Air sẽ mua lại 300 tỷ won (269 triệu USD) trái phiếu chuyển đổi vĩnh viễn của Asiana Airlines, và trả 300 tỷ won (269 triệu USD) tiền đặt cọc để mua lại cổ phiếu mới của Asiana Airlines có tổng trị giá 1.500 tỷ won (1,34 tỷ USD).

Cùng ngày, hãng Asiana Airlines cũng đã mở cuộc họp Hội đồng quản trị, nhất trí tăng vốn góp lên 1.500 tỷ won (1,34 tỷ USD) căn cứ theo hợp đồng mua lại cổ phiếu mới ký kết với Korean Air.

 

Bối cảnh

Việc Korean Air xúc tiến mua lại Asiana Airlines là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tái cơ cấu ngành công nghiệp hàng không, giảm thiểu sự bù đắp bằng ngân sách cho Nhà nước, qua đó giảm bớt gánh nặng cho người dân. Korean Air giải thích việc mua lại Asiana Airlines là nhằm ổn định nhanh chóng ngành hàng không trong nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Asiana Airlines là hãng hàng không tư nhân lớn thứ hai tại Hàn Quốc ra mắt vào năm 1988. Khởi đầu là các đường bay trong nước, tới năm 1990, hãng bắt đầu khai thác tuyến quốc tế đầu tiên là Gimpo-Tokyo (Nhật Bản), trở thành đối thủ cạnh tranh chính với hãng hàng không Korean Air. Tuy nhiên, sau năm 2015, hãng rơi vào khó khăn do công ty mẹ là tập đoàn Kumho Asiana lao đao về tài chính. Mặc dù hãng đã nỗ lực để cải thiện tình hình kinh doanh, như bán bớt một số tài sản, nhưng do công ty mẹ thiếu vốn nghiêm trọng nên đi tới quyết định bán hãng hàng không này vào tháng 4 năm 2019. Trong quá trình đấu thầu, công ty phát triển Hyundai (HDC) được chọn là nhà thầu ưu tiên đàm phán, các quy trình được triển khai khá thuận lợi. Tuy nhiên sau đó, hai bên lại không điều chỉnh được bất đồng ý kiến, khiến thương vụ đổ bể.

 

Kỳ vọng và lo ngại

Việc Korean Air mua lại Asiana Airlines được đánh giá là “khổ nhục kế”. Trên thực tế, không quá lời khi nói rằng Asiana Airlines đang tồn tại được là nhờ ngân sách Nhà nước, bởi đứng đầu nhóm chủ nợ là Ngân hàng phát triển Hàn Quốc, một ngân hàng chính sách Nhà nước, nên KDB không thể gánh trên vai “gánh nặng” này mãi, mà cũng không thể rút lui. Ngân hàng này kỳ vọng rằng việc hợp nhất hãng hàng không quốc gia Korean Air với Asiana Airlines sẽ giúp cắt giảm chi phí, tạo ra hiệu quả. Về phần mình, Korean Air cho biết việc hợp nhất hai hãng hàng không sẽ giúp khai thác hợp lý các chuyến bay, cắt giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại rằng thương vụ này vẫn chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề. Trước tiên, mặc dù không tới nỗi khó khăn như Asiana Airlines nhưng tỷ lệ nợ của Korean Air cũng đang ở mức cao, tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. Trong bối cảnh đó, nếu hãng phải gánh vác thêm Asiana Airlines đang chồng chất nợ thì sẽ có thể dẫn tới trường hợp cả hai công ty cùng rơi xuống vực. Vẫn còn ý kiến hoài nghi về hiệu quả từ việc hợp nhất hai hãng hàng không vốn có nhiều đường bay trùng nhau này. Thêm vào đó, còn tồn đọng nhiều bài toán nan giải khác cần giải quyết như vấn đề độc quyền, sự phản đối của các cổ đông.

Lựa chọn của ban biên tập