Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổ chức thủy đạc quốc tế quyết định ghi chú vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bằng số

2020-11-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO) ngày 16/11 đã quyết định áp dụng hải đồ quy chuẩn mới, trong đó ghi chú “biển Đông”, vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, bằng số thay vì tên gọi “biển Nhật Bản” như trước. Theo đó, Tokyo đã mất đi căn cứ để gọi vùng biển này bằng tên gọi duy nhất là “biển Nhật Bản”.

 

Quyết định của IHO

Trong cuộc họp toàn thể tổ chức trực tuyến ngày 16/11, IHO đã quyết định áp dụng hải đồ kỹ thuật số "S-130", phiên bản sửa đổi của tài liệu “Ranh giới các vùng biển và đại dương” (S-23). Nội dung trọng tâm của S-130 là thể hiện các vùng biển bằng ký hiệu riêng thay vì gọi tên như trước.  Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong thời gian tới, IHO sẽ không phát hành thêm tài liệu S-23, nhằm phản ánh sự thay đổi của lịch sử, chuyển sang kỷ nguyên số. Quan chức này cho biết hiện tại, vẫn chưa thể dự đoán thời điểm IHO hoàn tất phát triển hải đồ kỹ thuật số mới.

Tổ chức thủy đạc quốc tế dự kiến sẽ công bố chính thức về quyết định trên vào ngày 1/12, sau khi các nước thành viên xem xét kết quả cuộc họp toàn thể lần này. Nếu quá trình phát triển hải đồ kỹ thuật số mới được hoàn tất và thương mại hóa thì tên gọi “biển Nhật Bản” sẽ hoàn toàn biến mất trên bản đồ kỹ thuật số, thay vào đó được ký hiệu bằng một số nhận diện nhất định.

 

Nỗ lực để ghi chú bằng tên gọi “biển Đông”

Tài liệu S-23 do Tổ chức thủy đạc quốc tế lập ra, có vai trò chỉ dẫn chế tác bản đồ. Từ ấn phẩm xuất bản lần đầu năm 1929 tới ấn phẩm tái bản lần thứ ba năm 1953, tài liệu này vẫn ghi chú vùng "biển Đông" (East Sea) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là "biển Nhật Bản" (Sea of Japan). Kể từ năm 1997, Seoul đã đề nghị IHO bổ sung tên "biển Đông" song song với tên gọi "biển Nhật Bản" trên bản đồ. Tuy nhiên, phải tới phiên họp toàn thể IHO vào tháng 4 năm 2017, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên mới bắt đầu thảo luận không chính thức về vấn đề này với Nhật Bản nhưng không tìm được hướng giải quyết. Cuối cùng, Tổ chức thủy đạc quốc tế đã đề xuất một phương án điều đình, đó là ghi chú vùng biển này bằng ký hiệu, thay vì tên gọi. Trong quá trình này, Chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực về mặt ngoại giao để quảng bá tên gọi “biển Đông”. Kết quả là nếu như vào năm 2002, chỉ có 2,8% bản đồ trên toàn thế giới ghi chú vùng biển này là “biển Đông”, thì tới năm 2020 đã tăng lên trên 40%.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Hàn Quốc và Nhật Bản đánh giá trái chiều về quyết định IHO. Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết dựa trên quyết định lần này của Tổ chức thủy đạc quốc tế, Seoul sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc quảng bá tên gọi “biển Đông” ra toàn thế giới. Quan chức này nhấn mạnh lập trường của Seoul là tài liệu S-23 sẽ không còn hiệu lực ngay cả trong thời gian IHO phát triển hải đồ kỹ thuật số mới. Có nghĩa là Chính phủ Hàn Quốc cho rằng Tokyo đã không còn căn cứ cho tên gọi “biển Nhật Bản”. Ngược lại, Nhật Bản lại hạ thấp ý nghĩa của hải đồ kỹ thuật số, phân tích rằng nguyên tắc ghi chú vùng biển giữa hai nước bằng tên gọi “biển Nhật Bản” vẫn còn có hiệu lực. Truyền thông Nhật Bản dẫn lời một quan chức Chính phủ nước này cho biết việc IHO quyết định ghi chú vùng biển bằng số nhận diện là do Tổng thư ký IHO giành mối quan tâm nhất định tới lập trường của Seoul. Mặc dù vậy, những nỗ lực ghi chú tên gọi “biển Đông” của Chính phủ Hàn Quốc trong suốt thời qua được đánh giá đã đạt được nhiều thành quả. Mặc dù trong tài liệu S-130 sắp tới, vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ được thể hiện bằng số, nhưng trên bản đồ của các nước vẫn sẽ ghi vùng biển này bằng tên gọi như trước. Số bản đồ ghi chú tên gọi “biển Đông”, hoặc ghi song song “biển Đông” và “biển Nhật Bản” dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.

Lựa chọn của ban biên tập