Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đội ngũ an ninh, ngoại giao Chính phủ Joe Biden và ảnh hưởng tới bán đảo Hàn Quốc

2020-11-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden ngày 24/11 đã công bố danh sách đội ngũ quan chức an ninh, ngoại giao trong Chính phủ Mỹ nhiệm kỳ tới, được dự báo sẽ đi kèm với sự thay đổi toàn diện về chính sách bán đảo Hàn Quốc.

 

Đội ngũ nhân sự an ninh, ngoại giao mới

Ông Biden đã chỉ định cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ tới, ông Jake Sullivan làm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng. Ngoài ra, cựu Phó Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Avril Haines được chọn vào vị trí Giám đốc cơ quan này. Chức Bộ trưởng An ninh nội địa được giao cho cựu Phó Bộ trưởng Bộ này Alejandro Mayorkas. Bà Linda Thomas-Greenfield, một nhà ngoại giao người da đen với 35 năm kinh nghiệm, từng làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Phi, được ông Biden chọn làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Trong một buổi họp báo, bà Thomas-Greenfield phát biểu đội ngũ nhân sự an ninh, ngoại giao của chính quyền mới đã chứng minh một điều rằng “nước Mỹ đã quay trở lại, chủ nghĩa đa phương và ngoại giao đã quay trở lại”. Điều này cho thấy chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ và chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Donald Trump sẽ bị xóa bỏ, chính quyền mới của ông Biden sẽ khôi phục quan hệ với các nước đồng minh, quay lại chủ nghĩa đa phương. Tổng thống đắc cử Biden đánh giá chủ nghĩa ưu tiên nước Mỹ của Tổng thống Trump đã làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh, làm suy yếu vai trò chủ đạo của Mỹ trong cộng đồng quốc tế, gây tổn hại tới lợi ích an ninh của Washington. Trong thời gian ông Donald Trump tại nhiệm, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu đã rời bỏ Bộ Ngoại giao, khiến năng lực ngoại giao của Mỹ bị suy yếu nghiêm trọng. Khẩu hiệu “nước Mỹ đã quay trở lại” cho thấy quyết tâm của ông Biden trong việc khôi phục quan hệ với các nước đồng minh, tái thúc đẩy ngoại giao, khôi phục vai trò dẫn dắt của Mỹ trong trật tự thế giới.


Nhận thức về vấn đề bán đảo Hàn Quốc và hạt nhân Bắc Triều Tiên

Dự báo Chính phủ mới của ông Biden sẽ có một sự thay đổi lớn về đường lối chính sách an ninh, ngoại giao, tất nhiên là cả vấn đề quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, phương hướng giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Chính quyền mới dự kiến sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ ở một mức độ hợp lý. Ông Biden nhận định việc Tổng thống Trump yêu cầu Hàn Quốc nâng mạnh khoản chia sẻ chi phí quân sự với Washington một cách vô lý đã làm tổn hại tới giá trị đồng minh song phương, tác động tiêu cực tới phối hợp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân miền Bắc, quản lý tình hình khu vực Đông Bắc Á.

 

Liên quan tới vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, đội ngũ an ninh, ngoại giao mới đang đề cập tới giải pháp tương tự cách đàm phán giữa Mỹ với Iran. Ông Blinken từng can thiệp sâu vào thỏa thuận hạt nhân giữa Washington và Tehran. Trong khi ông Jake Sullivan lại là người tích cực ủng hộ thỏa thuận này. Do vậy, nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, đặt trọng tâm vào các giải pháp theo từng giai đoạn thông qua hợp tác đa phương, phối hợp với cộng đồng quốc tế. Đây là cách tiếp cận trái ngược với phương thức đàm phán từ cấp thượng đỉnh tới cấp chuyên viên, mà Tổng thống Donald Trump yêu thích. Thỏa thuận này có tên gọi là “Kế hoạch hành động chung toàn diện”, trong đó Iran dỡ bỏ hạt nhân, Mỹ đồng thời giảm nhẹ các biện pháp cấm vận theo từng giai đoạn. Tức phương thức này coi trọng đàm phán đa phương ở cấp chuyên viên. Do vậy, một điều gần như chắc chắn là các chính sách từng được nhất trí giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un sẽ bị xóa bỏ.


Bài toán đặt ra

Việc khôi phục quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ xét trên ý nghĩa rộng là một điều tích cực. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây gánh nặng cho phương thức tiếp cận của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay là “chọn Trung Quốc về mặt kinh tế, chọn Mỹ về mặt an ninh”. Nhiều khả năng ông Biden sẽ gia tăng sức ép hơn nữa, yêu cầu Seoul đứng về phía Washington. Ngoài ra, có thể Chính phủ Mỹ mới sẽ đẩy cao sức ép về vấn đề cải thiện quan hệ Hàn-Nhật, nhằm tăng cường hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Do vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ không tránh khỏi phải điều chỉnh một phần lộ trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Seoul cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược ngoại giao, an ninh, chuẩn bị cho sự ra mắt của Chính phủ Mỹ mới.

Lựa chọn của ban biên tập