Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ngành đóng tàu Hàn Quốc bội thu đơn hàng cuối năm

2020-12-26

Tin tức

ⓒYONHAP News

Top ba doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu Hàn Quốc là công ty đóng tàu và hải dương Korea, công ty công nghiệp nặng Samsung, công ty đóng tàu và hải dương Daewoo đã trúng thầu một lượng lớn đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tàu container trong ba ngày gần đây, với tổng giá trị hợp đồng đạt 4,6 tỷ USD. Như vậy là ngành đóng tàu Hàn Quốc đã vượt qua được “trận hạn hán đơn hàng” nghiêm trọng trong nửa đầu năm nay.


Ngành đóng tàu đón nhiều tin vui trúng thầu

Công ty đóng tàu và hải dương Korea, công ty nắm giữ cổ phần mảng đóng tàu trong tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai, ngày 23/12 công bố đã ký hợp đồng đóng ba tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với chủ tàu ở khu vực Bermuda và Panama. Tổng quy mô các hợp đồng này là 612,2 tỷ won (555,2 triệu USD). Trong vòng ba ngày từ ngày 21/12, hãng đã trúng thầu tổng cộng 9 tàu chở LNG, tổng giá trị là 1.823,7 tỷ won (1,65 tỷ USD). Ngoài ra, trong ngày 21/12, hãng còn trúng thầu đóng 7 tàu khác, là tàu container, tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), tàu chở chế phẩm hóa dầu (PC), tổng giá trị là 582 tỷ won (527,7 triệu USD). Như vậy, tổng giá trị đóng tàu của hãng trong ba ngày qua là 2.400 tỷ won (2,18 tỷ USD). Trong năm nay, công ty này đã trúng thầu 116 tàu, quy mô 10 tỷ USD, hoàn thành 91% mục tiêu cả năm.


Trong khi đó, công ty công nghiệp nặng Samsung cùng ngày công bố hãng đã trúng thầu 4 tàu LNG với quy mô 815 tỷ won (738,7 triệu USD). Chỉ trong ba ngày qua, hãng đã trúng thầu 8 tàu LNG, tổng giá trị là 1.630 tỷ won (1,48 tỷ USD). Tổng giá trị trúng thầu của hãng lũy kế từ đầu năm là 5,5 tỷ USD, đạt 65% mục tiêu đề ra trong năm 2020. Một quan chức trong giới đóng tàu cho biết 17 tàu chở LNG mà hai hãng trúng thầu trong ba ngày qua nhiều khả năng là đơn hàng từ dự án LNG ở Mozambique mà tập đoàn dầu khí Total của Pháp đang tiến hành.


Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo cùng ngày cũng công bố trúng thầu 6 tàu container cỡ siêu lớn chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng cho chủ tàu ở khu vực châu Âu, tổng giá trị là 1.083,6 tỷ won (982 triệu USD). Từ đầu năm đến nay, hãng đã trúng thầu tổng cộng 32 tàu (5,4 tỷ USD), đạt 75% mục tiêu đề ra trong năm 2020.


Riêng trong ba ngày qua, ba doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc đã trúng thầu tổng cộng 30 tàu, tổng giá trị hợp đồng là 5.100 tỷ won (4,62 tỷ USD), nhờ các đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng và tàu container cỡ siêu lớn có giá trị hợp đồng cao.


Ý nghĩa và triển vọng

Các đơn hàng lớn dồn vào dịp cuối năm đã giúp các doanh nghiệp đóng tàu đạt được tỷ lệ hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2020 tương tự so với năm trước. Tất nhiên, một phần còn là do công ty đóng tàu và hải dương Korea đã hạ mục tiêu trúng thầu trong năm nay so với năm ngoái. Tuy nhiên, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng kéo dài suốt cả năm, đây vẫn được đánh giá là những thành tích ý nghĩa của ngành đóng tàu Hàn Quốc. Thành tích này có được là nhờ Top 3 doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc gần như độc chiếm các tàu chở LNG và tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC), những đơn hàng có giá trị cao. Theo cơ quan nghiên cứu về đóng tàu và vận tải biển Clarkson (Anh), trong số 63 đơn hàng đóng tàu chở LNG cỡ lớn trên toàn thế giới tính tới thời điểm hiện tại, ba hãng đóng tàu Hàn Quốc trúng thầu 46 tàu, chiếm 73% tổng số đơn hàng. Tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng mang lại lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Đây là lĩnh vực mà các hãng đóng tàu của Hàn Quốc được đánh giá là có năng lực cạnh tranh độc quyền. Trong khi đó, tàu chở dầu thô cỡ lớn cũng là thế mạnh của các hãng đóng tàu Hàn Quốc. Trong số 42 đơn hàng đóng tàu VLCC toàn thế giới trong năm nay, công ty đóng tàu và hải dương Korea trúng thầu 27 chiếc, công ty đóng tàu và hải dương Daewoo trúng thầu 7 chiếc. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm tới 81% tổng số đơn hàng.


Triển vọng trong năm sau cũng rất khả quan. Trước tiên, nhu cầu tiềm năng bị kìm nén trong thời gian qua do dịch COVID-19 dự kiến sẽ bùng nổ vào năm 2021. Thêm vào đó là nhu cầu mới phát sinh do sự thay đổi quy chế môi trường của châu Âu. Ngoài ra, khoảng 18% tàu chở dầu thô cỡ lớn hiện nay đã trên 15 năm hoạt động, nên nhu cầu thay thế trong năm sau sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc dự kiến sẽ được hưởng lợi đầu tiên.

Lựa chọn của ban biên tập