Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Iran quyết định thả thuyền viên trên tàu Hàn Quốc đang bắt giữ

2021-02-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Iran công bố quyết định thả toàn bộ thuyền viên, trừ thuyền trưởng, trên tàu chở hóa chất của Hàn Quốc mang tên Hankuk Chemi bị nước này bắt giữ vào tháng 1. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh quyết định của Tehran, nhưng đồng thời cũng đề nghị nước này nỗ lực hết sức để sớm thả cả thuyền trưởng và tàu.

 

Iran quyết định thả thuyền viên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatib Zadeh ngày 2/2 cho biết nước này đã cấp phép xuất cảnh cho các thuyền viên trên tàu Hàn Quốc, hiện đang bị bắt giữ với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường trên vịnh Ba Tư, xét theo đề nghị của Chính phủ Seoul và chủ nghĩa nhân đạo. Theo Bộ Ngoại giao, Iran cho biết sẽ thả ngay 19 thuyền viên trên tàu, nhưng vẫn giữ lại thuyền trưởng để quản lý tàu. Thứ trưởng Ngoại giao Choi Jong-gon cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp Iran Seyyed Abbas Araghchi, và được thông báo về quyết định này của Chính phủ Iran.

 

Tehran cho biết sẽ tiếp tục bắt giữ tàu Hankuk Chemi trong thời gian tiến hành các quy trình tư pháp về hành vi gây ô nhiễm biển. Nước này cam kết sẽ đối xử nhân đạo, đảm bảo quyền tiếp xúc lãnh sự đầy đủ cho thuyền trưởng tàu. Trên tàu Hankuk Chemi có tổng cộng 20 thuyền viên, trong đó có 5 người Hàn Quốc gồm thuyền trưởng, 11 thuyền viên người Myanmar, 2 thuyền viên Indonesia và 2 thuyền viên Việt Nam.

 

Toàn cảnh vụ bắt tàu

Ngày 4/1 vừa qua, tàu Hankuk Chemi bị lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ khi đang đi ngang qua vùng biển gần Oman, eo biển Hormuz. Khi đó, tàu đang chở ba loại hóa chất khác nhau, trong đó có methanol, đi từ cảng Jubail của Ả-rập Xê-út đến thành phố Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, đang đi qua hải phận quốc tế. Iran lấy lý do bắt giữ là vì tàu Hankuk Chemi đã liên tục có hành vi gây ô nhiễm biển. Tuy nhiên, công ty chủ tàu cho biết chiếc tàu trên vẫn được kiểm tra thường niên mỗi năm một lần, ba tháng trước đã được tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, nếu không bị va đập từ bên ngoài thì sẽ không có khả năng gây ô nhiễm biển. Điều này cho thấy  lý do gây ô nhiễm biển chỉ là cái cớ, động thái giữ tàu của Tehran bị nghi ngờ là có chủ đích khác, ở đây là vấn đề Seoul đang đóng băng 7 tỷ USD tiền mặt của Tehran. Trước đó, hai nước tiến hành giao dịch thương mại theo phương thức là tiền thanh toán hợp đồng mua dầu mỏ từ Tehran được chuyển vào tài khoản tiền won tại Hàn Quốc, và Seoul sẽ lấy số tiền này thanh toán hợp đồng xuất khẩu hàng hóa khác sang Tehran. Tuy nhiên, sau khi Mỹ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục lại cấm vận với nước này, số tiền trên đã bị đóng băng tại các ngân hàng thương mại Hàn Quốc. Theo đó, việc Iran bắt tàu của Hàn Quốc được phân tích là nhằm gây sức ép yêu cầu Seoul gỡ bỏ đóng băng số tiền này, cân nhắc tới việc Chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Việc Iran quyết định thả các thuyền viên trên tàu là một tín hiệu tích cực. Bộ Ngoại giao cho biết đây là một bước đi khởi đầu quan trọng nhằm hồi phục niềm tin dựa trên cuộc điện đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước. Hai bên đồng tình phải khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, nhằm giải quyết vấn đề số tiền bị đóng băng của Iran. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không hề đơn giản. Trước tiên, phía công ty quản lý tàu cho biết các thuyền viên người Hàn mà Tehran quyết định thả là những nhân lực thiết yếu, nhất định phải giữ lại trên tàu để quản lý tàu. Có nghĩa là động thái thả người của Tehran trên thực tế lại không mấy hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề đóng băng tài sản có liên quan tới lệnh cấm vận của Mỹ, nên không thể giải quyết chỉ dựa trên sự thảo luận của hai nước đương sự. Theo đó, dự kiến Hàn Quốc sẽ còn tốn nhiều thời gian để giải quyết vấn đề lần này với Iran.

Lựa chọn của ban biên tập