Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2020

2021-02-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 2/2 công bố “Sách trắng Quốc phòng 2020”, trong đó có các nội dung chính như phân tích động thái của Bắc Triều Tiên, hạ thấp mối quan hệ với Nhật Bản, xóa vấn đề mâu thuẫn tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) với Trung Quốc.

 

Động thái quân sự của Bắc Triều Tiên

Trong Sách trắng Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho biết Bắc Triều Tiên đã tăng số lượng lữ đoàn tên lửa trực thuộc lực lượng quân chiến lược từ 9 lên thành 13. Các lữ đoàn tên lửa hiện hành của miền Bắc được cho là đang bố trí tên lửa tầm ngắn Scud tầm bắn từ 300 tới 1000km có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, và hai loại tên lửa tầm trung là tên lửa Rodong tầm bắn 1.300 km, tên lửa Musudan tầm bắn 3.000 km. 4 lữ đoàn tên lửa mới có khả năng được bố trí tên lửa Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên KN-23, tên lửa đất đối đất chiến thuật ATACMS, và một số tên lửa đạn đạo tầm trung xa như Hwasong-12. Về năng lực hạt nhân, Bộ Quốc phòng đánh giá miền Bắc đang sở hữu hơn 50 kg plutonium, nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân, cùng một lượng lớn uranium làm giàu và trình độ thu nhỏ vũ khí hạt nhân ở mức tương đối. Các nội dung này tương tự với nội dung Sách trắng Quốc phòng cách đây hai năm. Ngoài ra, miền Bắc đang vận hành độc lập và đẩy mạnh vị thế của lực lượng tác chiến đặc biệt, nhưng chưa rõ đã thành lập riêng Bộ Tư lệnh, hay bổ nhiệm chức Tư lệnh hay chưa. Ngoài ra, quân đội Bắc Triều Tiên đã xây dựng mô hình các cơ sở chiến lược của miền Nam để diễn tập tấn công, thay thế trang thiết bị tối tân cho lực lượng tác chiến đặc biệt.

 

Quan hệ với Nhật Bản

Một điểm đáng chú ý trong Sách trắng Quốc phòng 2020 là các nội dung về Nhật Bản. Sách trắng ghi Nhật Bản là quốc gia láng giềng mà Hàn Quốc phải cùng hợp tác, không chỉ vì quan hệ song phương mà còn vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Bắc Á và toàn thế giới. Nhưng nội dung này bị đánh giá là hạ thấp hơn so với Sách trắng Quốc phòng trước đó, ghi rằng hai nước Hàn-Nhật vừa là những láng giềng gần gũi về mặt địa lý, văn hóa, vừa là đối tác phải cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng thế giới.

 

Đặc biệt, Seoul chỉ trích Tokyo trong nhiều vấn đề khác nhau, như việc các chính khách Nhật Bản có phát ngôn khiêu khích về chủ quyền lãnh thổ đảo Dokdo của Hàn Quốc; máy bay tuần tra của Nhật Bản áp sát đe dọa tàu chiến của Hàn Quốc năm 2018, đồng thời Tokyo còn đơn phương công bố trên truyền thông nội dung sai lệch với sự thật; Chính phủ Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc vào tháng 7/2019.

 

Ngoài ra, Sách trắng Quốc phòng 2020 đã xóa nội dung liên quan tới mâu thuẫn giữa Seoul và Bắc Kinh về vấn đề tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD).

 

Ý nghĩa và triển vọng

Hai nước Hàn-Nhật đều hạ thấp mối quan hệ với nước đối phương thông qua Sách trắng Quốc phòng. Trước đó vào tháng 7 năm ngoái, Tokyo cũng phát hành Sách trắng Quốc phòng, trong đó xóa bỏ cụm từ “hợp tác toàn diện với Hàn Quốc”. Để phản đối nội dung Sách trắng Quốc phòng của Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã triệu tập Tùy viên quân sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tokyo, bày tỏ lấy làm tiếc về các nội dung liên quan tới đảo Dokdo, yêu cầu Chính phủ Seoul phải đối phó thích hợp về vấn đề liên quan tới máy bay tuần tra của Nhật Bản. Tuy nhiên, Tùy viên quân sự Hàn Quốc tại Nhật Bản đã từ chối những yêu cầu này. Liên quan tới hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh không có đồng minh nào tại khu vực Đông Bắc Á quan trọng với Washington hơn Seoul và Tokyo.

 

Trong Sách trắng Quốc phòng lần này vẫn giữ nguyên nội dung vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên là mối uy hiếp tới hòa bình và thịnh vượng của bán đảo Hàn Quốc, nhưng không còn coi Bắc Triều Tiên là “kẻ địch”, tương tự như Sách trắng Quốc phòng 2018. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ đang dò xét thái độ của miền Bắc một cách quá mức. Dự kiến vấn đề hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật sẽ trở nên nổi cộm và cấp thiết hơn, do Chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden coi trọng quan hệ với các đồng minh.

Lựa chọn của ban biên tập