Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 từ 26/2

2021-02-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) ngày 10/2 đã cấp phép sử dụng vắc-xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh). Đây là vắc-xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Hàn Quốc. Theo đó, Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) dự kiến sẽ lập danh sách tiêm chủng cho tới ngày 19/2, để bắt đầu tiêm phòng từ ngày 26/2.

 

Kế hoạch tiêm chủng

Tổng cộng 1,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca, tương đương tiêm cho 750.000 dân số, sẽ lần lượt được cung cấp từ ngày 24/2. Toàn bộ lượng vắc-xin này được hãng Khoa học Y sinh SK (SK Bioscience) sản xuất trong nước theo ủy thác từ hãng dược Anh, tại nhà máy ở thành phố Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang. Việc tiêm chủng sẽ được triển khai sau khi Ủy ban chuyên môn về tiêm chủng thuộc Cơ quan quản lý dịch bệnh quyết định xong danh sách đối tượng và lịch trình tiêm phòng. Ưu điểm lớn nhất của vắc-xin hãng AstraZeneca là có thể bảo quản, phấn phối lạnh ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, không cần hệ thống bảo quản riêng. Trong khi đó, vắc-xin COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phải bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, dẫn tới khó khăn trong việc bảo quản, phân phối. Nhiều khả năng vắc-xin của hãng dược Anh sẽ được tiêm cho 776.900 người cao tuổi tại các viện dưỡng lão trong quý I năm nay, căn cứ theo Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Cơ quan quản lý dịch bệnh. Với đội ngũ nhân viên y tế, cơ quan này từng công bố sẽ tiêm bằng vắc-xin của hãng Pfizer cũng trong quý I.

 

MFDS cấp phép vắc-xin COVID-19

Sáng ngày 10/2, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm đã mở cuộc họp của Ủy ban kiểm tra cuối cùng, quyết định cấp phép cho vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca. Đối tượng được phép tiêm là người trưởng thành ở tất cả các nhóm tuổi, bao gồm cả người cao tuổi, với điều kiện là hãng dược Anh phải nộp thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đang tiến hành tại Mỹ, ngoài các tài liệu lâm sàng đã nộp trước đó. Cho tới nay, các phản ứng bất thường sau khi tiêm được báo cáo phần lớn đều đã được dự đoán từ trước. MFDS kết luận vắc-xin của hãng AstraZeneca về tổng thể là an toàn. Chưa có trường hợp nào phản ứng bất thường nghiêm trọng, cả ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba tại Anh, kết quả lâm sàng giai đoạn ba ở Brazil cho thấy vắc-xin đạt hiệu quả phòng ngừa COVID-19 ở mức 62%. Tuy nhiên, MFDS yêu cầu AstraZeneca ghi chú nội dung là “Phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi”. Điều này là bởi mặc dù cho tới nay chưa có vấn đề gì về phản ứng miễn dịch và tính an toàn của vắc-xin với đối tượng là người cao tuổi, nhưng do tỷ lệ người cao tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng chỉ ở mức 7,4%, chưa đủ để chắc chắn hoàn toàn.


Tình hình dịch COVID-19 và tranh cãi về vắc-xin

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba tập trung tại thủ đô Seoul và các địa phương lân cận vẫn đang tiếp diễn. Số ca nhiễm mới đã giảm xuống ngưỡng 200 ca/ngày vào ngày 1/2, nhưng sau đó lại dao động ở ngưỡng 300-400 ca/ngày, chưa thực sự ổn định. Đặc biệt, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro lớn, như lây nhiễm tập thể, sự lây lan của biến thể virus. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang kìm hãm hiệu quả sự lây lan của COVID-19, song dịch bệnh vẫn có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào. Với việc bắt đầu tiêm chủng vắc-xin, tạm thời đại dịch đã bước sang một cục diện mới. Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia châu Âu đang lo ngại về tính an toàn của vắc-xin, bảo lưu cấp phép tiêm chủng với đối tượng là người cao tuổi. Do vậy, một số ý kiến đang tranh cãi về việc MFDS cấp phép tiêm chủng vắc-xin của hãng dược Anh với người trưởng thành ở tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do mà Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm đặt điều kiện cấp phép là hãng AstraZeneca phải nộp thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành.

Lựa chọn của ban biên tập