Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Người Hàn Quốc đón Tết Nguyên đán với nhiều thay đổi do dịch COVID-19

2021-02-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tết Nguyên đán, ngày Tết lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc, đã bị xáo trộn lớn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Người dân tăng sử dụng xe ô tô riêng thay vì phương tiện giao thông công cộng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc đều tắc nghẽn. Nhiều hoạt động cúng kiếng dịp Tết được chuyển sang hình thức trực tuyến.

 

Báo động phòng dịch

Trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trạng thái báo động phòng dịch được nhấn mạnh hơn so với ý nghĩa về Tết cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, người dân thủ đô Seoul, nơi đang tập trung nhiều ca nhiễm COVID-19, đổ về khắp các vùng miền trên cả nước ăn Tết. Do đó, cơ quan phòng dịch Hàn Quốc đang siết chặt mạng lưới phòng dịch, lo ngại dịch bệnh có thể lây lan mạnh trên diện rộng trong thời gian nghỉ lễ.

Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương cho biết tính từ ngày 4-10/2, trên 75% ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng phát sinh tại Seoul và các địa phương lân cận. Hệ số lây nhiễm, thể hiện một bệnh nhân mắc COVID-19 có thể lây cho bao nhiêu người khác, tại Seoul và các địa phương lân cận vượt mức 1. Hệ số lây nhiễm trên toàn quốc đã có lúc giảm xuống ngưỡng 0,7-0,8, nhưng trong vòng một tuần từ ngày 31/1-6/2 lại tăng lên 1,04, cho thấy dịch COVID-19 sau một thời gian được kìm hãm đang có xu hướng lây lan trở lại. Hơn nữa, các vụ lây nhiễm tập thể và biến thể virus COVID-19 cũng là điểm đáng lo ngại.

 

Quang cảnh đón Tết

Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực kêu gọi người dân hạn chế di chuyển, nhưng vẫn không thể ngăn được dòng người đổ về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trong năm nay, thay vì cả gia đình về quê, các hộ gia đình có xu hướng chỉ cử một người đại diện về thăm cha mẹ ở quê, sử dụng phương tiện chính là ô tô riêng thay vì giao thông công cộng. Do đó, trong khi các bến tàu, bến xe vắng vẻ, thì các tuyến đường cao tốc lại tắc nghẽn kéo dài. Tuy nhiên, lưu lượng giao thông trên các tuyến đường cao tốc vẫn giảm mạnh so với mọi năm. Trong tình cảnh không thể trực tiếp về thăm quê, nhiều người chọn cách gửi quà Tết bằng đường chuyển phát nhanh, giúp doanh thu của các trung tâm thương mại tăng mạnh. Các món ăn cúng lễ tổ tiên ngày Tết cũng có một diện mạo mới. Do các đại gia đình không được tụ tập nhằm phòng dịch, nên món ăn ngày Tết được đơn giản hóa, doanh thu các mặt hàng như đồ ăn nhanh, đồ ăn sơ chế sẵn tăng. Thay vì tới các chợ đầu mối truyền thống để mua sắm nhiều đồ cúng lễ tổ tiên, các gia đình có khuynh hướng chỉ chuẩn bị vài món ăn ưa thích.

 

Xã hội thay đổi vì dịch COVID-19

Một phần sự thay đổi trên được cho là sẽ quay trở lại như cũ khi dịch COVID-19 kết thúc. Tuy nhiên, phần lớn sự thay đổi này được dự báo sẽ còn tiếp diễn như một phong tục mới. Nếu như trước kia, hộ gia đình 4 người chiếm tỷ lệ cao nhất, thì nay đang nhường chỗ cho hộ gia đình 1-2 người. Văn hóa đại gia đình xuất phát từ xã hội canh tác nông nghiệp xưa kia, và những phong tục như cúng lễ tổ tiên, vê quê vào mỗi dịp Tết, đang dần bị phai nhạt. Xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ hơn sau đợt dịch COVID-19.

Cơ quan phòng dịch nhận định tuần sau, tức từ 15-21/1, thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, sẽ là bước ngoặt hết sức quan trọng. Cơ quan phòng dịch đã đẩy mạnh kiểm tra việc tuân thủ quy tắc phòng dịch, giám sát 24/24 giờ để ngăn chặn những người cách ly tại nhà rời khỏi địa điểm cách ly. Tuy nhiên, do người dân di chuyển nhiều, nên rủi ro dịch bệnh lây lan mạnh trở lại là rất lớn.

Lựa chọn của ban biên tập