Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phương hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden

2021-02-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Một tháng sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống, nước Mỹ đang cho thấy sự thay đổi rõ nét về mặt chính sách đối nội và đối ngoại. Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới sự thay đổi trong phương hướng chính sách với Bắc Triều Tiên và quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Chính sách đối ngoại của ông Biden có những điểm chính là khôi phục vai trò của Washington tại cộng đồng quốc tế, đối đầu rõ nét với Nga và Trung Quốc. Một số ý kiến chỉ ra rằng Seoul sẽ không tránh khỏi những điều chỉnh nhỏ trong phương hướng ngoại giao với Washington.

 

Một tháng nhậm chức, xóa bỏ di sản Trump

Có thể tóm tắt phương hướng điều hành quốc gia của Chính phủ Biden bằng khẩu hiệu “nước Mỹ đã trở lại”. Về mặt đối nội, ông Biden đã lật ngược hoàn toàn các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, như khuynh hướng phân biệt chủng tộc và người đồng tính, hạn chế nhập cư, đối phó với COVID-19. Về mặt đối ngoại, ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ đã gia nhập lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, dừng ngay quy trình rút khỏi Tổ chức y tế thế giới (WHO). Trên thực tế, có thể coi đây là một sự chuyển đổi chính sách hoàn toàn. Tóm lại, về mặt đối nội, Tổng thống Biden dốc toàn lực để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, hòa hợp người dân; về mặt đối ngoại, ông theo đuổi khôi phục vai trò trọng tâm của nước Mỹ trong trật tự quốc tế dựa trên nền tảng là khôi phục quan hệ với các đồng minh, chủ nghĩa đa phương. Đặc biệt, lãnh đạo Nhà Trắng nhận định sự đồng hành với các nước đồng minh sẽ giúp gia tăng sức mạnh của nước Mỹ theo cấp số nhân. Do đó, Chính phủ Biden đang đặt trọng tâm vào việc khôi phục quan hệ với các nước đồng minh truyền thống châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, châu Âu như Anh, Pháp, Đức.

 

Quan hệ Hàn-Mỹ

Về chính sách bán đảo Hàn Quốc, Chính phủ Biden thể hiện quyết tâm khôi phục và đẩy mạnh quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, và đang có những bước đi nhanh chóng. Dự kiến quan hệ đồng minh song phương sẽ không chỉ khôi phục như trước thời cựu Tổng thống Donald Trump, mà còn được tăng cường hơn nữa. Trước đó, Chính phủ Trump coi quan hệ Hàn-Mỹ là mối quan hệ “giao dịch” hơn là “đồng minh”. Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc phải nâng gấp đôi khoản gánh vác chi phí quân sự, đẩy hai nước vào bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, ngay khi Chính phủ Biden ra mắt, đã có thông tin rằng hai bên sắp sửa đạt được thỏa thuận về đàm phán chia sẻ chi phí quân sự, dự kiến mức tăng là 13% như Hàn Quốc đề xuất. Đây là một tín hiệu cho thấy quan hệ Hàn-Mỹ được hồi phục từ quan hệ “giao dịch” về “đồng minh” như trước.

Lãnh đạo hai nước đã có cuộc điện đàm vào ngày 4/2, nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh, đặc biệt là phát triển thành mối quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, chưa thể coi quan hệ Hàn-Mỹ sẽ có thể phát triển một cách thuận lợi. Hiện tại, hai nước vẫn còn bất đồng ý kiến về một số vấn đề như thời điểm Washington chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul, mối quan hệ Hàn-Nhật và phối hợp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Ngoài ra, có thể Washington sẽ gia tăng sức ép yêu cầu Seoul tham gia kìm hãm Bắc Kinh và Mátxcơva.

 

Vấn đề Bắc Triều Tiên

Chính phủ Joe Biden vẫn chưa có phương hướng rõ nét về chính sách với Bình Nhưỡng. Điều này là bởi Washington coi việc khắc phục cuộc khủng hoảng COVID-19 là vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay. Ngoài ra, khác với quan hệ Hàn-Mỹ, quan hệ giữa Mỹ với Bắc Triều Tiên rất phức tạp, nhiều biến số cần phải cân nhắc và điều chỉnh. Một số ý kiến lo ngại vấn đề miền Bắc đang bị Chính phủ Biden đẩy khỏi thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm rõ rằng vấn đề Bình Nhưỡng vẫn nằm trong thứ hạng ưu tiên và cấp thiết của Washington. Một điểm rõ ràng là phương thức đàm phán từ cấp thượng đỉnh tới cấp chuyên viên của Chính phủ cựu Tổng thống Trump sẽ bị xóa sổ, thay vào đó Chính phủ Biden sẽ đi từng bước một từ đàm phán cấp chuyên viên, ép miền Bắc phải lựa chọn giữa trừng phạt hay phần thưởng. Gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ công khai bản cáo trạng của các tin tặc miền Bắc bị truy tố hồi tháng 12 năm ngoái. Điều này cho thấy Washington sẽ cân nhắc tới vấn đề hạt nhân, tên lửa, và cả uy hiếp an ninh mạng từ miền Bắc để quyết định các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập