Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dư luận quốc tế lên án luận văn của giáo sư Harvard về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến

2021-02-27

Tin tức

ⓒ YONHAP News

Luận văn của giáo sư John Mark Ramseyer thuộc Trường Luật Harvard (Mỹ) về các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II đang gây ra làn sóng phản đối ngày càng gay gắt trong dư luận quốc tế.


Lập luận gây tranh cãi của ông Ramseyer

Trong luận văn này, ông Ramseyer cho biết vào thời chiến, người phụ nữ mua vui là phụ nữ mại dâm được Chính phủ Nhật Bản công nhận, bác bỏ lập luận rằng họ là “nô lệ tình dục” bị bắt cóc để cưỡng ép mua vui cho binh lính. Bộ Nội vụ Nhật Bản khi đó đã yêu cầu các công ty tuyển dụng chỉ tuyển những phụ nữ đang làm nghề mại dâm để mua vui cho binh lính. Cảnh sát có thẩm quyền đã trực tiếp xác nhận ý định làm việc của những phụ nữ này, và chỉ thị cho đơn vị tuyển dụng phải thông báo cho họ về nước ngay sau khi kết thúc hợp đồng. Luận văn nói rằng Chính phủ Nhật Bản không hề cưỡng ép phụ nữ làm nghề mại dâm, cũng như không hợp tác một cách bất chính với các công ty tuyển dụng. Ngoài ra, những phụ nữ này thường có thời hạn hợp đồng ngắn là 2 năm, mức thù lao cao do cân nhắc tới việc họ phải làm việc ở khu vực gần chiến trường. Giáo sư này từng trải qua thời niên thiếu tại Nhật Bản. Năm 2018, ông Ramseyer được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc hạng 3.


Cộng đồng quốc tế phẫn nộ

Đây là những lập luận không hề dựa trên sự thật. Do vậy, ngay cả những ý kiến ủng hộ “tự do học thuật” trong dư luận quốc tế cũng cho rằng không thể chấp nhận những lập luận này của giáo sư Havard.


Giới học giả quốc tế đang tích cực tham gia ký tên yêu cầu giáo sư Ramseyer đính chính lại nội dung trong luận văn, chỉ trích luận văn này là một hành vi phạm pháp về mặt học thuật. Bản kêu gọi ký tên do giáo sư Michael Chwe thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) khởi xướng hiện đã thu hút được hơn 600 học giả các nước tham gia ký tên đồng ý.

Giáo sư Michael Chwe còn nhắc đến một luận văn khác của ông Ramseyer được đăng tải trên tạp chí "Đánh giá quốc tế về pháp luật và kinh tế” (IRLE) vào tháng 12 năm ngoái có nhan đề “Hợp đồng tình dục trong chiến tranh Thái Bình Dương”. Trong luận văn này, ông Ramseyer nói rằng những phụ nữ đã yêu cầu được thanh toán trước một số tiền lớn, bởi công việc mại dâm ở chiến trường mang tính chất nguy hiểm, có khả năng bị thương. Hợp đồng làm việc của họ là một hợp đồng “hợp lý”, đáp ứng được yêu cầu này. Giáo sư Michael Chwe chỉ ra rằng luận văn của ông Ramseyer đã vi phạm tiêu chuẩn học thuật, tính chân thực và đạo đức học thuật, không chỉ là một sự thất bại về mặt học thuật mà còn vượt mức một hành vi phạm pháp.


Các nhà xuất bản châu Âu cũng đã bắt tay điều tra nắm bắt tình hình. Tiêu biểu là nhà xuất bản uy tín Springer của Đức ngày 23/2 (giờ địa phương) đã cảnh báo với độc giả về vấn đề trong nội dung một luận văn khác của ông Ramseyer đăng trên tạp chí "Pháp luật và kinh tế châu Âu" xuất bản vào ngày 18/2, và cho biết đang tiến hành điều tra liên quan. Ngoài ra, giới học giả và chính giới Mỹ cũng đang có nhiều ý kiến chỉ trích ông này, sự công phẫn trong dư luận quốc tế đang ngày càng gia tăng.


Ý nghĩa và triển vọng

Những người phụ nữ bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II đã được chứng minh là “nô lệ tình dục bị cưỡng ép”. Đây rõ ràng là một hành vi phạm tội vô nhân đạo trên phương diện quốc gia của đế quốc Nhật trong chiến tranh. Có thể thấy luận văn này của giáo sư Ramseyer là một đòn “phản kích” của Nhật Bản đội lốt “học thuật”. Hiện tại, Nhật Bản đang liên tục bị dồn vào thế phòng thủ sau phán quyết của Tòa án Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui, hay việc tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn bị cưỡng ép mua vui thời chiến, đang được thảo luận để lắp đặt vĩnh viễn tại Berlin, Đức. Có thể các thế lực bảo thủ của Nhật Bản sẽ lợi dụng luận văn của ông Ramseyer vào mục đích che giấu, hoặc làm lu mờ hành vi phạm tội của đế quốc Nhật trong quá khứ.

Lựa chọn của ban biên tập