Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc bắt buộc giao dịch tiền điện tử bằng tên thật

2021-03-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết dự thảo sửa đổi một phần “Thông tư thi hành Luật về báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc biệt” đã được thông qua trong cuộc họp Nội các ngày 16/3. Theo dự thảo sửa đổi, từ ngày 25/3, Hàn Quốc bắt đầu triển khai chế độ bắt buộc giao dịch tiền điện tử (tiền ảo) bằng tài khoản ngân hàng đăng ký tên thật, yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử có nghĩa vụ phòng ngừa hành vi rửa tiền.

 

Bắt buộc giao dịch tiền điện tử bằng tên thật

Tại Hàn Quốc, hiện chỉ có 4 sàn giao dịch tiền điện tử lớn là Bithumb, Upbit, Coinone, Korbit đang thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng đăng ký tên thật. Còn lại khoảng hơn 100 sàn giao dịch vừa và nhỏ khác cho phép giao dịch theo hình thức gián tiếp, khách hàng nạp tiền và rút tiền đầu tư thông qua tài khoản của công ty, tức tài khoản sàn giao dịch. Trong quá trình này, nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức nạp tiền mặt mà không cần tài khoản ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho quá trình quản lý của cơ quan tài chính, dẫn tới trường hợp một số cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư này để giao dịch tiền bất chính. Tuy nhiên, theo thông tư sửa đổi, từ ngày 25/3, các nhà đầu tư muốn giao dịch tại các sàn giao dịch tiền điện tử phải nạp tiền hoặc rút tiền bằng tài khoản ngân hàng đăng ký tên thật. Ủy ban giám sát tài chính cho các sàn giao dịch thời gian 6 tháng để chuẩn bị. Nếu tới ngày 24/9, sàn giao dịch nào không lấy thông tin tài khoản ngân hàng đăng ký bằng tên thật của khách hàng, thì sẽ phải đóng cửa.

Mặt khác, thông tư sửa đổi còn quy định các sàn giao dịch tiền điện tử có nghĩa vụ phòng ngừa hành vi rửa tiền, bao gồm việc xác nhận danh tính của khách hàng, báo cáo về các giao dịch nghi ngờ.


Sự gia tăng quy mô tiền điện tử

Việc Chính phủ quy định nghĩa vụ giao dịch tiền điện tử bằng tên thật là bởi trong thời gian qua, quy mô giao dịch tiền điện tử đã tăng vọt. Trên thực tế, tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử được niêm yết trên các sàn giao dịch trong nước đã tăng gấp 10 lần trong vòng ba năm qua. Cụ thể, chỉ số thị trường sàn giao dịch Upbit (UBMI - Upbit Market Index) của Hàn Quốc từng khởi đầu với mức 1.000 điểm ngày 1/10/2017 đã vượt ngưỡng 10.000 điểm vào ngày 13/3 vừa qua, tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 năm 5 tháng. Trong đó, đồng tiền điện tử có tỷ trọng giao dịch cao nhất là Bitcoin. Yếu tố chính khiến giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử tăng vọt cũng là do sự tăng giá “phi mã” của đồng Bitcoin. Tốc độ tăng giá trị vốn hóa thị trường của các đồng tiền điện tử khác cũng rất nhanh. Chỉ số Altcoin, chỉ chung các đồng tiền điện tử khác ngoài Bitcoin, trên sàn Upbit từng đạt 1.000 điểm vào ngày 1/10/2017 đã tăng lên 4.700 điểm ngày 15/3 vừa qua. Các sàn giao dịch tiền điện tử khác tại Hàn Quốc cũng có xu hướng tương tự.


Rửa tiền, trốn thuế

Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định thực hiện chế độ bắt buộc giao dịch tiền điện tử bằng tên thật là bởi tiền điện tử đang bị lợi dụng thành phương tiện rửa tiền. Các tổ chức khủng bố, tổ chức tội phạm, các “quốc gia bất hảo” bị cộng đồng quốc tế cấm vận đang lợi dụng tài sản điện tử là phương tiện để huy động tiền, che giấu tài sản phi pháp, rửa tiền. Ngoài ra, tiền điện tử cũng bị lợi dụng là phương tiện để che giấu tài sản phi pháp, trốn thuế của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Cơ quan thuế quốc gia Hàn Quốc ngày 15/3 công bố trong số những người chậm nộp thuế, có 2.410 người sở hữu tiền điện tử, và đã tiến hành truy thu khoảng 36,6 tỷ won (khoảng 29 triệu USD). Trên thực tế, số trường hợp chưa bị phát hiện còn lớn hơn rất nhiều. Do vậy việc kê khai tên thật khi giao dịch tiền điện tử trở thành bài toán cấp thiết không thể trì hoãn hơn nữa.

Lựa chọn của ban biên tập