Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc củng cố vị thế quốc tế thông qua Hội nghị thượng đỉnh G7

2021-06-19

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tuyên bố chung G7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại Cornwall (Anh) từ ngày 11-13/6. Ngoài các nước thành viên G7, lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và Nam Phi cũng được mời tham dự. Tuyên bố chung được thông qua sau hội nghị bao gồm 70 hạng mục, như về kìm hãm Trung Quốc, hợp tác quốc tế trong việc cung cấp vắc-xin COVID-19, ủng hộ chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ. Về vấn đề miền Bắc, tuyên bố hối thúc Bình Nhưỡng từ bỏ “một cách có kiểm chứng và không thể đảo ngược” các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp căn cứ theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuyên bố chung cũng hối thúc tất cả các quốc gia phải thực thi toàn diện biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc với miền Bắc. Nội dung này được cho là nhắm tới Trung Quốc, nước đang lẩn tránh thực thi cấm vận với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, vấn đề nhân quyền miền Bắc cũng được đề cập trong tuyên bố chung.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước G7 hối thúc Trung Quốc tôn trọng nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, bảo đảm quyền tự trị cho Hong Kong, ổn định tình hình khu vực eo biển Đài Loan. Các nước G7 cũng nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về việc đối phó chung với chính sách và thông lệ “phi thị trường” của Trung Quốc đang cản trở tới tính minh bạch, công bằng của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, các nước nhất trí xây dựng quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng toàn cầu, đối phó với chính sách “Vành đai và Con đường (Nhất đới Nhất lộ) của Trung Quốc.

 

Đối phó với đại dịch COVID-19

Tại hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những bước đi ngoại giao đáng chú ý về vấn đề vắc-xin COVID-19. Lãnh đạo các nước G7 nhất trí thúc đẩy phổ biến vắc-xin nhằm chấm dứt sớm đại dịch COVID-19, vấn đề lớn nhất hiện nay của toàn thế giới, cam kết hỗ trợ thêm 1 tỷ liều vắc-xin trong vòng 12 tháng tới. Số lượng vắc-xin này sẽ được cung cấp theo hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng vắc-xin còn dư của các nước hoặc góp thêm vốn cho Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX Facility), một cơ chế quốc tế về mua và phân phối vắc-xin. Ngoài ra, các nước nhất trí ý kiến về việc loại bỏ các yếu tố trở ngại trong việc sản xuất vắc-xin tại châu Phi. Về phần mình, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc cung cấp vắc-xin, dựa trên năng lực phòng dịch ưu việt của Hàn Quốc. Trước tiên, Tổng thống Hàn Quốc cam kết cung cấp 200 triệu USD cho "cam kết COVAX AMC", một phần của COVAX Facility trong đó các nước phát triển tài trợ nhằm bảo đảm phân phối vắc-xin COVID-19 cho tất cả các quốc gia. Ngoài ra, Tổng thống tái khẳng định về khả năng mở rộng vai trò “cửa ngõ vắc-xin” của Hàn Quốc trong việc sản xuất quy mô lớn vắc-xin và phân phối ra toàn thế giới.

Tại hội nghị, lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc gặp trực tiếp ngắn ngủi, nhưng tiếc là đã không diễn ra hội đàm thượng đỉnh song phương như kỳ vọng. Ban đầu, hai nước đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc tổ chức một cuộc họp ngắn giữa Tổng thống Moon và Thủ tướng Suga Yoshihide, nhưng sau đó Tokyo đã đơn phương hủy lịch họp, lấy lý do là phản đối cuộc “tập trận bảo vệ lãnh thổ biển Đông của Hàn Quốc”, tức tập trận phòng vệ đảo Dokdo, hòn đảo mà Nhật Bản khăng khăng lập luận thuộc chủ quyền lãnh thổ của nước này.

 

Ý nghĩa

Hội nghị thượng đỉnh G7 được đánh giá là “vũ đài quốc tế’ giúp tái khẳng định và củng cố vị thế quốc tế của Hàn Quốc. Cố vấn phụ trách đối thoại với người dân Phủ Tổng thống Park Soo-hyun cho biết cộng đồng quốc tế đang đánh giá Hàn Quốc trên thực tế là quốc gia thành viên thứ 8 của nhóm G7, khi hai năm liên tiếp được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong số 4 nước không phải thành viên G7 được mời tham dự năm nay, Ấn Độ, Australia và Nam Phi là các nước có quan hệ thân thiết với Anh, nước Chủ tịch hội nghị G7 năm nay, nên trên thực tế có thể coi Hàn Quốc là “khách mời duy nhất”. Mặc dù Hàn Quốc tái khẳng định được vị thế trước cộng đồng quốc tế, nhưng một số ý kiến đang lo ngại Seoul sẽ càng rơi vào thế khó xử hơn trước lập trường cứng rắn của G7 về việc kìm hãm Trung Quốc. Một khi vị thế càng lớn thì việc tham gia tích cực vào các bài toán nan giải toàn cầu là điều khó tránh khỏi, nên Chính phủ Hàn Quốc càng cần phải đối phó một cách tinh tế hơn nữa.

Lựa chọn của ban biên tập