Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên lần đầu thừa nhận thiếu lương thực trước cộng đồng quốc tế

2021-07-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bắc Triều Tiên gần đây đã thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực, vắc-xin COVID-19 và điện năng tại một hội nghị do Liên hợp quốc tổ chức, một điều rất hiếm thấy. Miền Bắc còn liệt kê số liệu cụ thể, nêu ra nguyên nhân khó khăn là do phải phong tỏa phòng ngừa dịch bệnh và thiên tai. Do đó, có ý kiến nhận định Bình Nhưỡng sẽ sớm đề nghị quốc tế viện trợ quy mô lớn.

 

Thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực

Phái đoàn đại diện thường trực Hàn Quốc tại Liên hợp quốc cho biết vào ngày 13/7, Bắc Triều Tiên đã công bố “Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện” (VNR) về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn chính trị cấp cao Liên hợp quốc.

Căn cứ theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 năm 2015, các nước thành viên Liên hợp quốc phải công bố “Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện”, trong đó tự đánh giá và công bố về tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia mình. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên công bố báo cáo này. Được biết, báo cáo được soạn thảo dưới danh nghĩa Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban kế hoạch quốc gia Park Jong-kun, có độ dài 66 trang. Về vấn đề lương thực, báo cáo viết rằng miền Bắc đang gặp trở ngại trong kế hoạch sản xuất 7 triệu tấn lương thực. Năm 2018, nước này chỉ sản xuất được 4,95 triệu tấn, thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Báo cáo cũng nêu ra vấn đề khó khăn hàng đầu của Bình Nhưỡng hiện nay là thiếu năng lượng. Tổng sản lượng điện năng và sản lượng điện bình quân đầu người đều đang có chiều hướng giảm. Đợt hạn hán năm 2016 đã ảnh hưởng tiêu cực tới tổng lượng phát điện, tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch mới chỉ dừng ở mức 10,3%. Báo cáo còn nêu ra các bài toán thách thức ở lĩnh vực y tế, như chưa có thống kê về tỷ lệ tử vong do vấn đề nước sạch, vệ sinh; thiếu nhân lực y tế, trang thiết bị và thuốc men thiết yếu. Phần lớn nguồn cung vắc-xin COVID-19 đang phải phụ thuộc vào Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX Facility).

 

Tình hình lương thực

Tài liệu khách quan nhất về tình hình lương thực tại Bắc Triều Tiên chính là báo cáo của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Ngày 7/7 vừa qua, FAO công bố báo cáo trên trang chủ của Hệ thống thông tin và cảnh báo sớm toàn cầu (GIEWS), trong đó nhận định triển vọng sản xuất lương thực của miền Bắc năm nay khá khả quan. Kể từ sau tháng 4, điều kiện thời tiết nhìn chung thuận lợi, các điều kiện về thảm thực vật tại miền Bắc đều trên mức bình quân. Xét một cách tổng thể, sản lượng lương thực của Bắc Triều Tiên trong năm nay ước đạt 5,6 triệu tấn, tương đương mức bình quân mọi năm. Điều này có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ phải nhập thêm 1,1 triệu tấn lương thực từ bên ngoài, quy mô tương tự 5 năm gần đây. Xét tới lượng lương thực mà miền Bắc dự kiến nhập khẩu thì nước này sẽ thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực, tương đương lượng tiêu thụ trong hai đến ba tháng. Nếu chính quyền Bắc Triều Tiên không nhập khẩu thêm lương thực, hoặc không được viện trợ từ bên ngoài, thì người dân nước này sẽ phải trải qua quãng thời gian khó khăn từ tháng 8 tới tháng 10.

Trước đó, trong báo cáo chung về “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới năm 2021” do FAO và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) công bố, ước tính có 10,9 triệu người dân miền Bắc bị thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn 2018-2020, tức cứ 10 người lại có 4 người bị thiếu dinh dưỡng.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực do thiệt hại mưa bão. Việc nhà lãnh đạo miền Bắc lần đầu thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng với bên ngoài là điều rất hiếm thấy. Lần này, Bắc Triều Tiên còn thừa nhận đang gặp khó khăn ở tất cả các lĩnh vực khác, như y tế, vệ sinh, nước sạch, điện năng, vắc-xin COVID-19, cho thấy nước này đang trong tình cảnh hết sức nguy cấp.

Lựa chọn của ban biên tập