Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

UNESCO kết luận Nhật Bản bóp méo lịch sử về vấn đề cưỡng ép lao động trên đảo quân hạm

2021-07-17

Tin tức

ⓒKBS News

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 12/7 đã đăng tải trên trang chủ báo cáo điều tra, trong đó kết luận Chính phủ Nhật Bản đã bóp méo lịch sử về vấn đề cưỡng ép lao động người Joseon (tức người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) tên đảo Hashima (còn được gọi là đảo quân hạm), nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

 

Báo cáo điều tra

Báo cáo điều tra trên được Nhóm điều tra chung của UNESCO và Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) công bố sau quá trình thị sát Trung tâm thông tin di sản công nghiệp tại Tokyo từ ngày 7-9/6 vừa qua. Trung tâm di sản công nghiệp được mở cửa vào tháng 6 năm 2020, là nơi trưng bày các tài liệu liên quan tới cơ sở công nghiệp trên đảo Hashima. Nhóm điều tra kết luận Nhật Bản chưa giải thích đầy đủ “toàn bộ lịch sử” về các di tích công nghiệp sau năm 1910. Nhóm điều tra yêu cầu Tokyo phải giải thích về các di tích công nghiệp Minh Trị một cách cân bằng, không chỉ trên quan điểm của Nhật Bản, mà phải trên cả góc nhìn của các nạn nhân. Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng Chính phủ Nhật Bản chưa giải thích đầy đủ sự thật lịch sử là vào những năm 1940, nhiều người trên bán đảo Hàn Quốc đã bị cưỡng ép lao động khổ sai trên đảo Hashima, trái với mong muốn cá nhân. Báo cáo ghi rõ Trung tâm thông tin di sản công nghiệp đặt ở Tokyo, xa di tích công nghiệp, và trung tâm này cũng không có biện pháp thích hợp để tưởng nhớ các nạn nhân đã tử vong do bị cưỡng ép lao động.

Mặt khác, trên trang chủ, UNESCO cũng công bố bản thảo quyết định sẽ được thông qua tại Ủy ban di sản thế giới. Nội dung của quyết định này là bày tỏ lấy làm tiếc sâu sắc về việc Nhật Bản không thực thi quyết định của Ủy ban di sản thế giới, hối thúc Tokyo thực thi đúng cam kết.

 

Đảo Hashami và vấn đề cưỡng ép lao động

Đảo quân hạm, tên tiếng Nhật là đảo Hashima, vốn là hòn đảo không người ở thuộc tỉnh Nagasaki. Vào cuối thế kỷ XIX, người Nhật phát hiện trên đảo có mỏ than, nên đã tiến hành san lấp khu vực xung quanh, xây dựng nhà ở, biến nơi này thành một thành phố khai thác than. Lao động trên đảo phải làm việc trong môi trường hết sức khắc nghiệt, trong số đó có nhiều người Joseon và Trung Quốc bị cưỡng ép lao động. Theo tài liệu ghi lại được, từ năm 1943 tới năm 1945, ước tính đã có từ 500-800 người lao động Joseon bị cưỡng ép lao động khổ sai tại nơi này. Do tính chất công việc nặng nhọc, nhiều người đã tử vong. Từ năm 1925 tới năm 1945, đã có 1.162 người Nhật, 122 người Hàn, 15 người Trung Quốc bị chết và hỏa táng tại nơi này. Từ những năm 1950, ngành công nghiệp than đá của Nhật Bản suy yếu dần, các mỏ than trên đảo bị đóng cửa, nhưng trang thiết bị và các tòa nhà vẫn còn tồn tại cho tới nay. Đảo quân hạm nằm trong quần thể 23 di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị (hay còn gọi là Cải cách Minh Trị 1886-1889) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2015.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Để trở thành một di sản thế giới thì di tích đó phải mang ý nghĩa về mặt lịch sử. Đảo quân hạm của Nhật Bản là một di tích công nghiệp, nhưng cũng là nơi gắn liền với lịch sử cưỡng ép lao động. Nếu Tokyo chối bỏ sự thật lịch sử này thì việc công nhận là di sản thế giới sẽ không còn ý nghĩa. Báo cáo lần này của UNESCO mang tính chất xác nhận rằng Nhật Bản đã không thực hiện đúng cam kết trước đây của nước này, đó là thành lập Trung tâm thông tin di sản công nghiệp để truyền đạt đúng sự thật lịch sử về vấn đề cưỡng ép lao động.

 

Về báo cáo trên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu khẳng định nước này đã thực hiện đúng cam kết với UNESCO. Mặc dù quyết định của Ủy ban di sản thế giới không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nếu Tokyo không thực thi, thì mỗi hai năm một lần, Ủy ban sẽ tiếp tục gửi khuyến nghị, gây sức ép với Nhật Bản. Ngoài ra, UNESCO cũng có thể hủy công nhận di sản thế giới nếu Tokyo liên tục không chịu thực thi cam kết. Tuy nhiên, hiện tại lập trường của UNESCO là khó hủy quyết định công nhận chỉ với lý do phía Nhật Bản chưa giải thích đầy đủ về di tích công nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập