Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tiềm năng ngành công nghiệp người hâm mộ “fandustry”

2021-07-24

Tin tức

ⓒBig Hit Entertainment

Trong bối cảnh âm nhạc K-pop ngày càng được ưa chuộng khắp thế giới, nhiều ý kiến cho rằng giờ đây, Hàn Quốc cần tiếp cận K-pop trên cả khía cạnh công nghiệp, đảm bảo đủ năng lực và nền tảng để có thể đi đầu ngành công nghiệp người hâm mộ “fandustry” trong tương lai. Tại Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện nhiều công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực “fandom” (cộng đồng người hâm mộ) và đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Khái niệm “fandustry”

“Fandustry” là từ ghép của hai từ trong tiếng Anh là “fan” (người hâm mộ) và “industry” (công nghiệp), là một từ mới chỉ ngành công nghiệp hình thành dựa trên nền tảng cộng đồng người hâm mộ “fandom”. “Fandom” là một hiện tượng văn hóa, chỉ một nhóm những người yêu thích cuồng nhiệt một nhân vật hay lĩnh vực nào đó, thông thường là ca sĩ, diễn viên, ngôi sao thể thao. Gần đây, sức ảnh hưởng về mặt văn hóa của “fandom” ngày càng lan rộng hơn, thậm chí còn xuất hiện cụm từ “văn hóa fandom”. Nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) với cộng đồng người hâm mộ hùng hậu trên toàn cầu là một trường hợp điển hình về “fandom”.

Ngành công nghiệp người hâm mộ được hình thành trên nền tảng “tiêu dùng của người hâm mộ”, tức người tiêu dùng mua hàng hóa dựa trên hình ảnh của ngôi sao, thần tượng, không căn cứ theo các tiêu chuẩn đánh giá thông thường như về chất lượng, giá cả. Tiêu dùng người hâm mộ được diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, như mua các nội dung hay hàng hóa liên quan tới thần tượng, hoạt động trong câu lạc bộ người hâm mộ, xem biểu diễn trực tuyến, nền tảng trực tuyến dành riêng cho cộng đồng người hâm mộ. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc các ngôi sao sản xuất đĩa nhạc, tổ chức biểu diễn, gần đây còn xuất hiện trào lưu người hâm mộ trực tiếp sản xuất ra nội dung liên quan tới ngôi sao, thần tượng để cung cấp cho các “fandom”.

 

Công nghiệp người hâm mộ của Hàn Quốc

Khái niệm “fandustry” xuất phát từ văn hóa cộng đồng người hâm mộ, được coi là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của K-pop. Theo Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), tính tới tháng 9 năm 2020, có 2.000 câu lạc bộ người hâm mộ Hallyu trên toàn cầu, với tổng số người hâm mộ là hơn 100 triệu người, quy mô thị trường ước đạt 8.000 tỷ won (7 tỷ USD). Tại Hàn Quốc, các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực “fandustry” đang tăng trưởng nhanh chóng cùng với sức ảnh hưởng rộng lớn của làn sóng Hallyu trên toàn thế giới. Một trong số đó là lĩnh vực kinh doanh “nền tảng dành riêng cho các fandom”. Ví dụ như công ty Hanteo Chart, một đơn vị kinh doanh nền tảng dành cho cộng đồng người hâm mộ Hallyu, trong năm ngoái đã ra mắt ứng dụng “WhosFan”, tính đến nay đã vượt 6 triệu người dùng. Trong đó, số người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) của ứng dụng này là 2,5 triệu người. Ngoài ra, một nền tảng dành cho cộng đồng người hâm mộ khác là “STARPLAY” cũng đã có 4,5 triệu người dùng trong vòng hai năm qua. Công ty AMP cũng ra mắt nền tảng trao đổi hàng hóa liên quan tới thần tượng tại nước ngoài mang tên “Duckzill”, đang đạt được tăng trưởng nhanh chóng. Nền tảng này cho phép người hâm mộ trực tiếp đưa ra ý tưởng để trao đổi, mua bán hàng hóa tự sản xuất liên quan tới thần tượng, được sử dụng phổ biến tại 82 quốc gia, với hơn 3.500 mặt hàng, và 700.000 người dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tích cực thu hút đầu tư, và nhiều nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm tới tiềm năng lớn ở lĩnh vực này khi dịch COVID-19 kết thúc.

 

Vai trò của BTS

Sự tăng trưởng của “fandustry” không thể không nhắc tới sự đóng góp của nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS), ngôi sao hàng đầu thế giới. Sự yêu mến của công chúng dành cho BTS dường như không có điểm dừng, mà ngày càng lớn hơn. Trong bảng xếp hạng mới nhất công bố ngày 20/7 của Billboard (Mỹ), BTS vượt qua ngôi sao nhạc Pop người Mỹ Olivia Rodrigo để xếp Quán quân bảng xếp hạng “Artist 100”. Ngoài ra, ca khúc mới hát bằng tiếng Anh của nhóm mang tên “Permission to Dance” cũng dẫn đầu bảng xếp hạng đĩa đơn “Hot 100” của Billboard. Ngành công nghiệp “fandustry” được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới nhờ sức ảnh hưởng của các ngôi sao Hallyu, trong đó có BTS. Giới chuyên gia chỉ ra rằng Chính phủ Hàn Quốc cần lập chính sách bồi dưỡng, đưa “fandustry” trở thành một ngành công nghiệp tăng trưởng mới của quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập