Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi xoay quanh dự thảo sửa đổi Luật trọng tài ngôn luận

2021-09-04

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nội dung nhất trí

Đại diện đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành tại Quốc hội Yoon Ho-jung và Đại diện đảng đối lập Sức mạnh quốc dân Kim Gi-hyeon ngày 31/8 đã nhóm họp, nhất trí lùi ngày trình dự thảo sửa đổi Luật trọng tài ngôn luận lên phiên họp toàn thể Quốc hội sang ngày 27/9, và lập ra một cơ chế thảo luận 8 thành viên để thảo luận tiếp về dự thảo này. Ban đầu, đảng Dân chủ đồng hành định đơn phương thông qua dự thảo bất chấp sự phản đối của phe đối lập và giới báo chí. Vào ngày 30/8, thời hạn cuối cùng mà đảng cầm quyền tự đề ra, Đại diện tại Quốc hội của hai đảng đã họp 4 lần chỉ trong một ngày nhưng không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, trong cuộc họp cuối cùng ngày 31/8, hai bên đã thành công tạo được bước đột phá cho cục diện. Cơ chế thảo luận dự thảo sẽ gồm 2 nghị sĩ thuộc mỗi đảng, 2 đại diện báo chí, 2 chuyên gia liên quan do các đảng tự tiến cử. Mặc dù chưa thể coi đây là một cơ chế thảo luận xã hội hoàn toàn, nhưng việc chính giới để đại diện giới truyền thông và chuyên gia tham gia vào cơ chế này được đánh giá là đã thiết lập được một khung thảo luận thích hợp.

 

Như vậy, chính giới đã tạm thời tránh được cục diện căng thẳng tột độ, có thêm thời gian để thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật trọng tài ngôn luận. Tuy nhiên, do hai bên vẫn còn bất đồng ý kiến rất sâu sắc, nên vẫn chưa thể rõ liệu chính giới có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng trong thời gian chưa đầy một tháng tới hay không.

 

Nội dung dự thảo sửa đổi Luật trọng tài ngôn luận

Trọng tâm tranh cãi chính giữa chính giới xoay quanh việc thiết lập chế độ bồi thường thiệt hại mang tính chất xử phạt. Theo nội dung đề xuất của đảng đối lập, phải áp dụng bồi thường gấp tối đa 5 lần mức thiệt hại gây ra bởi các hành vi sơ suất nghiêm trọng hoặc cố ý đưa tin sai sự thật. Hai bên giằng co về tiêu chuẩn để phán xét về việc đưa tin cố ý, sơ suất nghiêm trọng; cũng như quy mô bồi thường thiệt hại.

 

Trước đó, bất chấp sự phản đối và thậm chí là rời khỏi phiên họp của các nghị sĩ đảng đối lập, đảng Dân chủ đồng hành vẫn đơn phương thông qua dự luật tại Ủy ban Văn hóa, thể thao và du lịch. Sau đó, đảng cầm quyền tiếp tục đơn phương thông qua dự luật tại Ủy ban Pháp chế và tư pháp vào sáng sớm ngày 25/8, và dự định sẽ tiếp tục trình ngay lên phiên họp toàn thể Quốc hội. Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt của đảng đối lập, giới báo chí cũng như dư luận, đảng cầm quyền quyết định nhượng bộ, lùi thời điểm thông qua dự thảo sang tháng 9. Thêm vào đó, Phủ Tổng thống được cho là đã có sự thảo luận ngầm với chính giới.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Đảng đối lập quyết định lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật trọng tài nguôn luận sửa đổi được phân tích là bởi sức ép phản đối từ đảng đối lập, giới truyền thông; và cộng đồng quốc tế cũng có ý kiến chỉ trích rằng nội dung dự thảo này mang tính chất đàn áp ngôn luận. Đảng Dân chủ đồng hành nhấn mạnh dự luật này là biện pháp tối thiểu để ngăn chặn thiệt hại do tin tức giả gây ra. Tuy nhiên, đảng Sức mạnh quốc dân cho rằng đây là dự luật nhằm “chặn họng” giới báo chí, xuất phát từ ý tưởng độc tài, mơ ước về một Chính phủ không có ngôn luận. Sự quan tâm của các hãng truyền thông lớn thế giới càng củng cố thêm cho lập trường chỉ trích này. Nội bộ đảng cầm quyền cũng có ý kiến lo ngại việc cưỡng ép thông qua dự luật sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng về mặt chính trị. Hiện tại, đảng Sức mạnh quốc dân cho rằng phải xóa nội dung về chế độ bồi thường thiệt hại trong dự thảo. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đồng hành cho biết nếu xóa nội dung này thì coi như việc sửa đổi luật trở nên vô nghĩa. Dù chính giới đã nhất trí thiết lập một cơ chế thảo luận, nhưng dự kiến quá trình thảo luận trong thời gian tới sẽ không mấy dễ dàng.

Lựa chọn của ban biên tập