Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật phòng ngừa sự lộng quyền của Google

2021-09-04

Tin tức

ⓒYONHAP News

Quốc hội Hàn Quốc ngày 31/8 đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh viễn thông. Theo nội dung sửa đổi luật, kế hoạch ép buộc doanh nghiệp cung cấp ứng dụng và nội dung phải thanh toán bằng hệ thống thanh toán nội bộ “In App” của Google dự kiến áp dụng từ tháng 10 đã bị phá sản.

 

Nội dung sửa đổi

Dự luật sửa đổi trên cấm các doanh nghiệp kinh doanh chợ ứng dụng (App Market) như Google, Apple lợi dụng vị thế của mình một cách bất chính để áp đặt phương thức thanh toán nhất định với các công ty cung cấp ứng dụng, nội dung di động.

Trước đó, hãng Google tuyên bố sẽ mở rộng áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng “In App”, vốn chỉ áp dụng với các ứng dụng game, sang toàn bộ các ứng dụng khác từ tháng 10 tới. Theo đó, toàn bộ các ứng dụng, nội dung như game, âm nhạc, webtoon được bán trên chợ ứng dụng “Google Play” đều sẽ phải thanh toán qua “In App” và bị thu phí tối đa 30% giá trị thanh toán. Ngoài ra, theo luật sửa đổi, chợ ứng dụng “App Store” của hãng Apple cũng không thể bắt buộc đơn vị cung cấp nội dung sử dụng hệ thống thanh toán riêng của hãng như trước đây.

Hệ thống thanh toán “In App” bị chỉ trích là hành vi lộng quyền của gã khổng lồ Google, lợi dụng vị thế để độc chiếm thu mức phí cao từ các đơn vị cung cấp nội dung di động. Chính vì vậy mà dự thảo sửa đổi luật lần này của Hàn Quốc còn được gọi là “Luật phòng ngừa Google lộng quyền”.

 

Tranh cãi

Google phản bác rằng hệ thống thu phí hiện tại của hãng là hợp lý. “Google Play” hiện cung cấp nhiều tính năng đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc xử lý thanh toán. Phí Google Play là nhằm giúp người dùng có thể tiếp tục sử dụng miễn phí hệ điều hành Android, đồng thời giúp nhà phát triển có thể khai thác các công cụ và nền tảng để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Đây là mô hình kinh doanh hỗ trợ để người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị với giá thành hợp lý, trong khi nhà kinh doanh nền tảng và nhà phát triển ứng dụng đều có thể đạt được thành công về mặt tài chính. Về phần mình, Apple cũng bày tỏ lo ngại dự luật sửa đổi của Hàn Quốc có thể khiến người dùng mua các sản phẩm thông qua kênh khác, không phải App Store của hãng, bị rủi ro lừa đảo, đồng thời chức năng bảo vệ thông tin cá nhân sẽ bị suy yếu.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp trong nước đều đồng loạt bày tỏ hoan nghênh nội dung sửa đổi. Hiệp hội doanh nghiệp internet Hàn Quốc kỳ vọng dự luật mới sẽ giúp thiết lập hệ sinh thái app công bằng, đảm bảo quyền lợi của các nhà sáng tạo, phát triển nội dung, vừa giúp người dùng có thể trải nghiệm nhiều nội dung đa dạng với giá thành phải chăng hơn. Diễn đàn khởi nghiệp Hàn Quốc, một tổ chức khởi nghiệp trong nước, cũng kỳ vọng luật sửa đổi sẽ góp phần phòng ngừa các hành vi bất công bằng, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng công bằng.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Nếu dự thảo luật sửa đổi có hiệu lực thì đây sẽ là lần đầu tiên trên thế giới, hai nhà cung cấp nền tảng khổng lồ của Mỹ bị chặn đứng hành vi lộng quyền về thu phí. Về điều này, Google tuyên bố vẫn duy trì đường lối kinh doanh hiện nay, đồng thời sẽ công bố phương án tuân thủ luật định của Hàn Quốc.

Dự kiến các nước lớn trên thế giới sẽ tham khảo luật sửa đổi của Hàn Quốc để ngăn chặn hành vi lộng quyền của các hãng công nghệ thông tin lớn. Không chỉ vậy, dự luật mới được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào việc tăng lợi nhuận và doanh thu cho các ngành công nghiệp liên quan trong nước. Hiệp hội doanh nghiệp internet Hàn Quốc cho biết nếu các đơn vị kinh doanh chợ ứng dụng ép buộc phương tiện thanh toán thì sẽ khiến doanh thu của các ngành công nghiệp liên quan trong nước bị giảm đi khoảng 2.300 tỷ won (xấp xỉ 2 tỷ USD), giá trị sản xuất giảm 2.900 tỷ won (2,51 tỷ USD).

Lựa chọn của ban biên tập