Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

30 năm Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc

2021-09-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 17/9 là kỷ niệm tròn 30 năm ngày Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đồng gia nhập Liên hợp quốc. Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã tăng trưởng trở thành một cường quốc kinh tế nằm trong Top 10 thế giới, sức ảnh hưởng quốc tế ngày một lớn dần với vị thế là một quốc gia tầm trung, thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới.

 

Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc

Con đường gia nhập Liên hợp quốc của Hàn Quốc trải qua nhiều thăng trầm. Sau khi giải phóng vào năm 1945, Hàn Quốc lại trải qua thời kỳ đất nước chia cắt, thời kỳ chính quyền quân đội Mỹ. Phải tới năm 1948, Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc mới được thành lập, và được Liên hợp quốc công nhận là “Chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Hàn Quốc”. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã trình đơn xin gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 1/1949, tưởng chừng như sẽ được phê chuẩn một cách thuận lợi. Vậy nhưng, tình hình Chiến tranh lạnh lại cản trở bước đường gia nhập của Hàn Quốc. Seoul chuyển từ ý định gia nhập đơn lẻ, sang theo đuổi gia nhập đồng thời cùng với Bắc Triều Tiên, nhưng không thành do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Liên Xô. Hai nước này vốn ủng hộ lập luận của Bắc Triều Tiên rằng việc gia nhập đồng thời chỉ làm sâu sắc hơn tình hình chia cắt hai miền Nam-Bắc. Tình hình có sự thay đổi sau Thế vận hội mùa hè Seoul năm 1988 và chính sách ngoại giao phương Bắc của Chính phủ Tổng thống Roh Tae-woo. Năm 1990, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, và đạt được thỏa thuận về việc thiết lập Văn phòng đại diện thương mại với Trung Quốc vào cùng năm. Nhân cơ hội này, ý tưởng hai miền Nam-Bắc cùng gia nhập Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ, cuối cùng hai miền đồng đã thời gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1991.

 

30 năm trở thành thành viên Liên hợp quốc

Trải qua thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật, cùng chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đã phải bắt đầu từ “đống tro tàn”, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, phải dựa vào viện trợ của nước ngoài. Nhưng tới những năm 1960, Hàn Quốc bước vào thời kỳ phát triển kinh tế, và đạt được tăng trưởng cao độ từ những năm 1970. Thời điểm gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1991, Hàn Quốc đang trong quá trình chuẩn bị nhảy vọt từ quốc gia thu nhập trung bình lên quốc gia phát triển. Sau khi gia nhập Liên hợp quốc, vị thế quốc tế của Hàn Quốc được nâng cao vượt bậc. Seoul đã triển khai nhiều hoạt động năng nổ hơn hẳn so với các nước thành viên khác, mở rộng đóng góp tài chính và nhân lực cho Liên hợp quốc. Hàn Quốc đã 12 lần trở thành nước thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cơ quan ra quyết định có hiệu lực ràng buộc duy nhất tại Liên hợp quốc. Năm 2001, Ngoại trưởng Hàn Quốc khi đó là ông Han Seung-soo đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. Năm 2006, cựu Ngoại trưởng Ban Ki-moon được bầu làm Tổng thư ký Liên hợp quốc và đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Số nhân viên người Hàn tại Ban thư ký Liên hợp quốc, từng không có một người nào trong năm 1992, thời kỳ đầu Hàn Quốc mới gia nhập, đã tăng thành 171 người vào năm ngoái. Tỷ lệ đóng góp của Hàn Quốc vào ngân sách của Liên hợp quốc giai đoạn đầu chỉ dừng ở mức 0,69%, nay đã tăng lên thành 2,27%, đứng thứ 11 trong số các nước thành viên. Hàn Quốc cũng đứng thứ 10 về khoản gánh vác chi phí cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hiện đang phái cử 5 lực lượng gồm 569 binh lính, trong đó có lực lượng Dongmyeong đang làm nhiệm vụ ở Lebanon, tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Giờ đây, Hàn Quốc đang đóng vai trò lớn với vị thế là một quốc gia tầm trung (middle power) trong cộng đồng quốc tế, đứng vào hàng ngũ các nước phát triển.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra

Năm 1991, việc hai miền Nam-Bắc đồng thời gia nhập Liên hợp quốc được kỳ vọng sẽ có thể trở thành bước đột phá cho quan hệ liên Triều. Nhưng cho tới nay, tình hình quan hệ song phương vẫn trong trạng thái đối đầu, chưa được cải thiện. Nhiều ý kiến cho rằng Seoul phải tích cực lên tiếng hơn nữa về các vấn đề nổi cộm quốc tế, phù hợp với vị thế hiện nay, cũng như mức đóng góp ngân sách vào Liên hợp quốc.

Lựa chọn của ban biên tập