Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

2021-09-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/9 đã có bài phát biểu tại khóa họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York, Mỹ. Lần này, ông Moon đưa ra đề xuất cụ thể hơn bài phát biểu năm ngoái về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh là xuất phát điểm quan trọng để thiết lập trật tự mới cho hòa giải và hợp tác trên bán đảo Hàn Quốc. Ông Moon đề xuất ba bên Hàn-Triều-Mỹ, hoặc 4 bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, Tổng thống cũng kêu gọi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, đề xuất Bắc Triều Tiên xúc tiến sớm đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh, đối phó chung với dịch bệnh, thiên tai thông qua “cơ chế hợp tác phòng dịch, y tế Đông Bắc Á”. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm ngoái, Tổng thống Moon cũng đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh, nhưng khi đó chỉ nói rằng đây sẽ là cánh cửa mở ra phi hạt nhân hóa, hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bài phát biểu lần này, Tổng thống đã nêu rõ chủ thể các bên liên quan trong chiến tranh Triều Tiên, đó là Hàn-Triều-Mỹ hoặc Hàn-Triều-Mỹ-Trung.

 

Bối cảnh

Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Moon Jae-in không đề cập tới vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, một vấn đề nổi cộm gần đây. Điều này cho thấy Tổng thống đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng, nhận định rằng tình hình hiện nay rất cần một cơ hội để có thể lật ngược tình thế, phá vỡ cục diện bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa miền Bắc.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2018, Tổng thống từng bày tỏ kỳ vọng các nước liên quan sẽ thực thi biện pháp quyết liệt nhằm phi hạt nhân hóa, và cuối cùng là tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Năm 2018 đã liên tiếp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Mỹ-Triều, và giới ngoại giao còn thảo luận cụ thể về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tiến triển vượt bậc này có được là nhờ phương thức đàm phán “Top-Down” thời Chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tức đi từ cấp thượng đỉnh xuống cấp chuyên viên. Tuy nhiên, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội thất bại, phương thức này bắt đầu lộ ra những hạn chế và đối thoại Mỹ-Triều rơi vào bế tắc từ đó cho tới nay. Mặc dù vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng bất chấp những hạn chế của phương thức “Top-Down”, khi tình hình càng bế tắc thì lãnh đạo thượng đỉnh các bên liên quan càng phải quyết đoán mới có thể tạo ra được bước đột phá. Hiện tại, nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in chỉ còn kéo dài 8 tháng nữa, nên phương thức “Top-Down” này bị giới hạn về mặt thời gian. Đây có lẽ là lý do mà Tổng thống Moon Jae-in đưa ra đề xuất táo bạo như trên.

 

Triển vọng

Đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh còn mang tính chất là tổng kết toàn bộ lộ trình chính sách với Bắc Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in. Ngoài đề xuất này, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2019, Tổng thống Moon còn từng tuyên bố "ba nguyên tắc" của lộ trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc, đó là không dung thứ chiến tranh, bảo đảm an toàn lẫn nhau và thịnh vượng chung. Ông Moon cũng nêu ra ý tưởng về “cơ chế hợp tác phòng dịch, y tế Đông Bắc Á” nhằm kéo Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đối thoại, hay ý tưởng “Mô hình bán đảo Hàn Quốc” đưa đối thoại liên Triều đi đầu trong hòa bình khu vực. Song triển vọng thực hiện các đề xuất và sáng kiến này là không mấy khả quan. Đó là bởi vẫn chưa rõ miền Bắc có đồng ý đề xuất đối thoại của Mỹ hay không. Hơn nữa, hiện còn nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả thực tế của đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Lựa chọn của ban biên tập