Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh xúc tiến nối lại đàm phán FTA

2021-11-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chánh Văn phòng đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Yeo Han-koo ngày 3/11 đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Nayef Al-Hajraf tại thủ đô Riyadh, Ả-rập Xê-út, ra tuyên bố chung có nội dung nhất trí xúc tiến nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) sau hơn 10 năm bị gián đoạn.

 

Đàm phán FTA Hàn Quốc-GCC

Tại cuộc hội đàm cùng ngày, hai bên đồng tình xúc tiến nối lại đàm phán FTA, nhất trí thảo luận cụ thể và tiến hành các quy trình nội bộ liên quan trong thời gian tới. Hàn Quốc và GCC từng đạt thỏa thuận về việc xúc tiến FTA vào năm 2007, và đã tiến hành ba vòng đàm phán chính thức vào tháng 7/2008, tháng 3/2009 và tháng 7/2009. Nhưng vào tháng 1/2010, GCC tuyên bố dừng đàm phán, và cho tới nay vẫn không có chút tiến triển nào.

Mặt khác, Chánh Văn phòng Yoo đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Ả-rập Xê-út Majed Al-Qasabi, nhất trí mở rộng hợp tác song phương sang nhiều lĩnh vực đa dạng, thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực năng lượng và chế tạo trong thời gian qua.

Khu vực vùng Vịnh và Trung Đông là một trong những thị trường rất quan trọng đối với Hàn Quốc, xét trên khía cạnh dân số, thu nhập và tiềm năng. Tuy nhiên, cho tới nay hai bên vẫn chưa ký kết FTA, nên các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất lợi. Do vậy, nếu lần này FTA được ký kết, hai bên sẽ có thể phát triển quan hệ hợp tác, thương mại, đầu tư song phương lên một tầm cao mới.

 

GCC

GCC là một cơ chế hợp tác khu vực ra mắt vào tháng 5/1981, bao gồm 6 nước sản xuất dầu mỏ ven vịnh Ba Tư (hay còn gọi là vịnh Ả-rập) là Ả-rập Xê-út, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Bahrain. Mục tiêu thành lập GCC là xúc tiến hợp tác ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, xây dựng một cơ chế đảm bảo an ninh tổng hợp. Vào thời điểm GCC ra mắt, khu vực xung quanh vịnh Ả-rập rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ, như cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran 1979, vụ Liên Xô xâm lược Afghanistan (1979-1989), chiến tranh Iran-Iraq 1980. Các quốc gia thành viên GCC đều sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, dùng chung tiếng Ả-rập, đều có đạo Hồi là quốc giáo, và vẫn đang duy trì chế độ quân chủ cha truyền con nối. Tất cả 6 nước đều là những quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ, thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD. Từ tháng 3/1983, các nước GCC tiến hành dỡ bỏ hàng rào thuế quan và lệnh hạn chế du lịch giữa các nước trong khu vực. Ngày 1/1/2008, GCC ra mắt “thị trường chung” và năm 2015 ra mắt “liên minh thuế quan”. Hiện nay, người dân của 6 nước này có thể tự do đi lại, tìm việc làm, mua bất động sản ở bất cứ đâu trong khu vực. Các nước vẫn đang tiếp tục điều chỉnh về hệ thống thuế, tiêu chuẩn kế toán, bộ luật dân sự để tiến tới hội nhập thị trường hoàn toàn. Trong số các nước thành viên, Ả-rập Xê-út vừa là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực Trung Đông, vừa là quốc gia cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các quốc gia GCC cũng đã và đang là đối tác quan trọng của Seoul ở các lĩnh vực xây dựng ở nước ngoài, nhập khẩu dầu thô, xuất khẩu hàng hóa và đầu tư. Quy mô thương mại giữa Hàn Quốc với các nước GCC trong năm 2020 đạt 46,6 tỷ USD, quy mô đầu tư lũy kế đạt 16,5 tỷ USD.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Các quốc gia GCC đang gấp rút chuyển đổi sang hệ thống kinh tế mới, không phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, để phù hợp với xu thế chung là  thoát dần khỏi dầu mỏ hiện nay. Hàn Quốc được đánh giá là đối tác tối ưu đối với GCC trong xu thế này, cũng như xu thế trung hòa carbon toàn cầu. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để GCC quyết định nối lại đàm phán FTA với Hàn Quốc. Chánh Văn phòng Yoo kỳ vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực như phổ biến năng lượng mới, tái tạo, đối phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.

Lựa chọn của ban biên tập