Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kết quả Hội nghị COP26

2021-11-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng kết COP26

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh ngày 1/11, 105 nước tham gia đã ra “Tuyên bố về sử dụng rừng và đất”, nhất trí dừng phá hủy rừng và khôi phục đất cho tới năm 2030.

 

“Tuyên bố về sử dụng rừng và đất” được coi là một thành quả quan trọng của Hội nghị COP26 lần này. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, nước Chủ tịch COP26, đối tượng của tuyên bố này là 33,6 triệu km² rừng trên toàn thế giới, với nội dung đề ra các dự án bảo vệ rừng có sự tham gia của người dân bản địa, phát triển công nghệ nông nghiệp bền vững. Cụ thể, 12 nước phát triển trong đó có Anh cam kết lập ra quỹ chung quy mô 12 tỷ USD từ năm 2022-2025, hỗ trợ các nước đang phát triển khôi phục đất và chữa cháy rừng. Hơn 30 công ty đầu tư tư nhân như Aviva (Anh) và Axa (Pháp) cam kết đầu tư hơn 7,23 tỷ USD vào bảo hộ rừng, không đầu tư vào các lĩnh vực liên quan tới phá rừng cho tới năm 2025. Hơn 30 tổ chức tài chính quốc tế, với tổng nguồn vốn đang điều hành gộp lại đạt 87.000 tỷ USD, nhất trí nỗ lực hết sức để ngăn chặn nạn phá rừng liên quan tới việc chăn nuôi bò, sản xuất dầu cọ, đỗ, bột giấy.

Ngoài ra, lãnh đạo thượng đỉnh các nước đã ra mắt “Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu” với nội dung cắt giảm tối thiểu 30% lượng phát thải metan trên toàn thế giới cho tới năm 2030 so với năm 2020.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Hội nghị COP26 lần này vốn dự kiến diễn ra vào năm 2020, nhưng đã phải lùi lại do dịch COVID-19. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức kể từ sau khi các nước đề ra mục tiêu là rà soát Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) mỗi 5 năm một lần để đưa ra mục tiêu cao hơn, căn cứ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Do vậy, hội nghị lần này được kỳ vọng cao sẽ có thể trở thành một bước ngoặt mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trọng tâm của hội nghị lần này là các nước có thiết lập được bàn đạp để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, tức kìm hãm mức tăng bình quân nhiệt độ Trái đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa hay không. Vậy nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, những nước lần lượt đứng thứ nhất, thứ ba và thứ 4 thế giới về lượng phát thải khí nhà kính, đã không tham gia. Đặc biệt, Ấn Độ từ chối đưa ra mục tiêu trung hòa carbon, khiến hội nghị khởi đầu không mấy suôn sẻ. Ngoài ra, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga còn không tham gia vào “Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu” trong khi đây đều là những nước phát thải metan lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, vẫn có thể coi “Tuyên bố về sử dụng rừng và đất” là một thành quả quan trọng của COP26 lần này. Trong danh sách các nước tham gia tuyên bố này có Brazil, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Congo, chiếm 85% diện tích rừng trên toàn thế giới.

Biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn ra với mức độ ngày một trầm trọng hơn do sự ấm lên toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh chóng. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dù các nước tuân thủ đúng mọi nội dung trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng thêm 2,7 độ C trong thế kỷ này. Có nghĩa là băng hà ở vùng cực sẽ sớm tan chảy, làm nước biển dâng cao, các hòn đảo trên Thái Bình Dương sẽ bị xóa sổ, nhiều sinh vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nguy cơ xảy ra những thảm họa khí hậu vô cùng lớn.

 

Kế hoạch của Hàn Quốc

Tại hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có bài diễn thuyết, công bố nâng mục tiêu cắt giảm khí nhà kính quốc gia cho tới năm 2030, tức Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC), với nội dung cắt giảm 40% lượng khí nhà kính so với năm 2018, đồng thời tích cực tham gia vào nỗ lực giảm khí metan. Trong bài viết đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân ngày 2/11 sau hội nghị, Tổng thống nhấn mạnh Hàn Quốc, quốc gia duy nhất trên thế giới đi lên từ nước đang phát triển thành nước phát triển, phải đi đầu trong vấn đề giảm khí nhà kính.

Lựa chọn của ban biên tập