Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phương hướng chính sách kinh tế năm 2022

2021-12-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 20/12, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố phương hướng chính sách kinh tế năm 2022, đặt mục tiêu bình thường hóa hoàn toàn nền kinh tế, đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,1% trong năm sau. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn như dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bầu cử Tổng thống vào tháng 3 năm sau, nên nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của phương hướng chính sách mà Chính phủ vừa công bố.

 

Triển vọng kinh tế

Chính phủ Hàn Quốc nhận định tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong năm nay sẽ đạt 4%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6; tỷ lệ tăng trưởng năm sau là 3,1%, cao hơn dự báo trước đó 0,1%.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm sau được dự báo thấp hơn năm nay, do hiệu ứng cơ sở từ việc kinh tế tăng trưởng 4% năm nay. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng, kéo nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo bình thường một cách nhanh chóng. Đặc biệt, tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay và 3,8% trong năm sau, nhờ tâm lý tiêu dùng được cải thiện do đời sống thường nhật quay trở lại bình thường, thu nhập người dân gia tăng, cộng thêm hiệu quả từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Xuất khẩu được dự báo tăng 25,5% trong năm nay, và tăng tiếp 2% trong năm sau, duy trì đà hồi phục dựa theo sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Giá tiêu dùng được nhận định tăng 2,4% trong năm nay và 2,2% trong năm sau. Giá dầu quốc tế được dự đoán sẽ tăng chậm lại, nhưng giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua sẽ có thể kéo giá các mặt hàng thực phẩm chế biến và dịch vụ ăn uống tăng. Ngoài ra, xu hướng hồi phục tiêu dùng cũng có thể kích thích tăng vật giá.

    

Phương hướng chính sách kinh tế

Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc khẳng định sẽ tập trung nguồn lực chính sách, đạt mục tiêu “vượt qua khủng hoảng, bình thường hóa hoàn toàn nền kinh tế” và “củng cố nền tảng kinh tế đi đầu” trong năm sau. Trước tiên, Chính phủ sẽ thổi sức sống cho nền kinh tế bằng các biện pháp như khấu trừ đặc biệt với tiêu dùng của người dân, xóa bỏ hạn mức mua hàng tại cửa hàng miễn thuế, chỉ định công nghệ chiến lược quốc gia để ưu đãi đầu tư. Hàn Quốc sẽ thoát khỏi cuộc chiến toàn diện với dịch COVID-19 kéo dài suốt hai năm để trở lại quỹ đạo bình thường trong năm sau. Một phương hướng quan trọng khác được đề ra là quản lý rủi ro xảy ra trong quá trình khắc phục khủng hoảng. Đầu tiên là vấn đề hỗ trợ cho tầng lớp thiệt hại bởi biện pháp siết chặt phòng dịch COVID-19 của Nhà nước. Chính phủ có kế hoạch bù đắp thiệt hại cho tiểu thương, hỗ trợ xin việc cho thanh niên, ưu đãi thuế để tránh tình trạng giá thuê nhà tăng. Để chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19, Chính phủ sẽ tiếp tục xúc tiến “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc”, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, mạo hiểm, thiết lập năm khởi đầu thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, triển khai gói 5 đối sách khắc phục tỷ lệ sinh thấp.

 

Rủi ro

Rủi ro lớn nhất trong năm sau chính là cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3 tới đây. Khung phương hướng chính sách kinh tế mà Chính phủ đề ra dù là đúng đắn, nhưng nhiều khả năng sẽ bị thay đổi, chỉnh sửa khi Chính phủ mới ra mắt. Ngoài ra, Chính phủ vẫn còn thiếu phương án nâng cao tính lành mạnh tài chính bị suy giảm trong quá trình đối phó với dịch COVID-19, phương án quản lý rủi ro, đối phó với môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của dịch COVID-19 với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cũng là một biến số lớn khác.

Lựa chọn của ban biên tập