Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi về quy định thẻ thông hành phòng dịch

2022-01-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Việc Tòa án chấp thuận một phần đơn đề nghị của nhóm phụ huynh học sinh về việc dừng hiệu lực thi hành “thẻ thông hành phòng dịch” đang làm lung lay nền tảng hệ thống phòng dịch COVID-19 của Hàn Quốc. Thẻ thông hành phòng dịch vốn được coi là một “trục quan trọng” trong công tác phòng dịch COVID-19 của Chính phủ, cấm người chưa hoàn thành tiêm phòng vắc-xin COVID-19 ra vào các cơ sở tập trung đông người.

 

Phán quyết của Tòa án

Tòa án hành chính Seoul ngày 4/1 đã chấp thuận một phần đơn đề nghị của nhóm người dân và phụ huynh, phản đối việc Bộ trưởng Y tế và phúc lợi áp dụng “thẻ thông hành phòng dịch” với thanh thiếu niên. Phán quyết này có hiệu lực ngay lập tức cho tới trước khi có phán quyết sơ thẩm trong vụ kiện hành chính liên quan.

Theo phán quyết này, người trưởng thành chưa hoàn tất hoặc chưa hề tiêm phòng vắc-xin COVID-19 vẫn có thể ra vào trung tâm dạy thêm, phòng đọc sách, quán cà phê học tập, thay vì bị cấm ra vào như trước đây. Có nghĩa là giờ đây, người dân dù không sở hữu giấy chứng nhận hoàn tất tiêm phòng trên hai tuần, hay kết quả xét nghiệm khuếch đại gen (PCR) âm tính với virus COVID-19 cũng vẫn có thể ra vào các cơ sở này. Thời điểm áp dụng thẻ thông hành phòng dịch với thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi là từ tháng 3, nên phán quyết lần này của Tòa án chưa ảnh hưởng ngay tới đối tượng thanh thiếu niên.

 

Thẻ thông hành phòng dịch

Thẻ thông hành phòng dịch được áp dụng lần đầu vào tháng 11 năm ngoái, khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai giai đoạn một của lộ trình “từng bước khôi phục đời sống thường nhật” (With COVID-19) như một đối sách bổ sung cho cơ chế phòng dịch. Trong giai đoạn đầu, thẻ thông hành phòng dịch chỉ áp dụng với một số cơ sở có rủi ro lây nhiễm cao, như cơ sở thể thao trong nhà, cơ sở giải trí. Tuy nhiên, dịch COVID-19 sau đó đã diễn biến nghiêm trọng hơn, nên từ ngày 6/12, Chính phủ mở rộng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch với các cơ sở như nhà hàng, quán cà phê, trung tâm dạy thêm, rạp chiếu phim, phòng đọc sách, quán cà phê học tập, quán net. Nhưng chưa đầy một tháng áp dụng, chính sách này của Chính phủ đã gặp trở ngại.

 

Tranh cãi và ảnh hưởng

Điểm thu hút sự quan tâm là phán quyết lần này của Tòa án có thể tác động tới tất cả các cơ sở khác hiện đang áp dụng thẻ thông hành phòng dịch. Các phụ huynh đệ trình Tòa án dừng thi hành thẻ thông hành phòng dịch nhằm mục đích để các em học sinh có thể tới học tập tại trung tâm dạy thêm, chuẩn bị cho các kỳ thi đầu vào. Tuy nhiên, trọng tâm trong phán quyết của Tòa án lại là đảm bảo quyền tự do học hành, làm việc, quyền tự quyết cá nhân, không giới hạn ở độ tuổi áp dụng thẻ phòng dịch.

Hội đồng xét xử cho rằng việc áp dụng thẻ thông hành phòng dịch gây hạn chế quyền lợi sử dụng dịch vụ, quyền học tập của người chưa tiêm phòng vắc-xin. Ngoài ra, nhiều trường hợp người tiêm phòng đủ mũi vắc-xin nhưng vẫn bị mắc COVID-19, nên không thể coi người chưa tiêm phòng vắc-xin sẽ làm gia tăng rõ rệt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở này, tới mức không cho họ sử dụng dịch vụ. Nhận định của Tòa án hoàn toàn trái ngược với lập luận của Chính phủ khi triển khai quy định thẻ thông hành phòng dịch.

Trước khi có phán quyết trên, giới bác sĩ cũng đã có nhiều ý kiến phản đối chế độ thẻ thông hành phòng dịch, đề nghị Tòa án dừng hiệu lực thi hành của chế độ này. Các tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ lẻ liên tiếp biểu tình những ngày qua để phản đối áp dụng thẻ thông hành phòng dịch. Từ ngày 10/1 tới, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch với các cơ sở như cửa hàng kinh doanh quy mô lớn, siêu thị, trung tâm thương mại, nên dự kiến tranh cãi về vấn đề này sẽ càng nóng hơn, nhiều vụ kiện tương tự sẽ xuất hiện.

Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc một mặt tuyên bố sẽ kháng cáo ngay lập tức, mặt khác khẳng định sẽ triển khai chế độ thẻ thông hành phòng dịch một cách “cân bằng”, giảm thiểu bất tiện cho người dân.

Lựa chọn của ban biên tập