Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Diễn viên O Yeong-su thắng giải diễn xuất tại Quả cầu vàng 2022

2022-01-15

Tin tức

ⓒYONHAP News

Diễn viên Hàn Quốc đầu tiên thắng giải diễn xuất tại Quả cầu vàng

Nam diễn viên O Yeong-su trong sê-ri phim truyền hình “Trò chơi con mực” (Squid Game) của Netflix, đã thắng giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” hạng mục truyền hình tại Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 79 của Mỹ, được tổ chức vào ngày 10/1 vừa qua.

 

Ông O Yeong-su đã vượt qua các đối thủ nặng ký là Billy Crudup, Kieran Culkin, Mark Duplass và Brett Goldstein, để trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên thắng giải thưởng diễn xuất tại Quả cầu vàng. Trước đó, từng có hai diễn viên gốc Hàn là Sandra Oh và Awkwafina cũng từng giành giải thưởng diễn xuất ở Giải Quả cầu vàng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, chưa hề có phim truyền hình Hàn Quốc hay phim điện ảnh có sự tham gia diễn xuất của diễn viên Hàn Quốc được đề cử giải thưởng diễn xuất của Quả cầu vàng.

 

Ngoài hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất”, phim “Trò chơi con mực” còn được đề cử “Phim hay nhất” và “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” (Lee Jung-jae) hạng mục truyền hình. Tuy nhiên, giải “Phim hay nhất” cuối cùng đã thuộc về tác phẩm “Kế nghiệp” (Succession). Người nhận giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” là diễn viên Jeremy Strong trong phim “Kế nghiệp”. Dù không thắng giải nhưng việc bộ phim được đề cử ở hai hạng mục này cũng là những kỷ lục đầu tiên cho lịch sử làng điện ảnh, phim truyền hình Hàn Quốc.

 

“Trò chơi con mực” và diễn viên O Yeong-su

“Trò chơi con mực” là sê-ri phim truyền hình bản gốc của Netflix, kể về một trò chơi sinh tồn, nơi những người chơi đánh cược cả mạng sống để giành giải thưởng khổng lồ 45,6 tỷ won (38,2 triệu USD). Bộ phim nêu bật vấn đề về sự cách biệt giàu nghèo, lột tả cuộc sống của những người yếu thế trong xã hội, khơi gợi được sự đồng cảm sâu sắc của người xem bất kể quốc tịch, màu da.

 

Nam diễn viên O Yeong-su sinh năm 1944, theo học chuyên ngành diễn xuất Khoa Kịch và điện ảnh, Đại học Dongguk. Ông bắt đầu xuất hiện trên sân khấu kịch vào năm 1963 và vẫn đang hoạt động như một diễn viên kịch cho tới thời điểm hiện tại, khi đã 78 tuổi. Ông chủ yếu tham gia các tác phẩm kịch tại Đoàn kịch quốc gia. Năm 1965, nam diễn viên lần đầu tham gia dự án phim điện ảnh, nhưng sau đó vẫn tập trung vào diễn xuất kịch, không xuất hiện nhiều trên phim điện ảnh hay phim truyền hình, nên ít được khán giả biết tới cho đến sau một vai diễn hòa thượng trong một bộ phim truyền hình. Hiện tại, ông O Yeong-su đang đóng vai “Freud” trong vở kịch “Last Session” trên sân khấu kịch đường Daehak (Seoul), nơi được coi là “thánh địa kịch nói” của Hàn Quốc. Đây là một vở kịch có nội dung về cuộc trò chuyện tưởng tượng giữa nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud và tiểu thuyết gia kiêm nhà bình luận người Anh Clive Staples Lewis, miêu tả sự xung đột giữa thuyết vô thần và thuyết hữu thần giữa hai nhân vật.

 

Ý nghĩa và tranh cãi

Giải Quả cầu vàng đang bị làng điện ảnh Hollywood tẩy chay vì sự “bài trừ” khắc nghiệt suốt chiều dài 79 năm lịch sử. Do vậy, lễ trao giải năm nay diễn ra trong bầu không khí ảm đạm, vắng bóng rất nhiều ngôi sao dù được đề cử, cũng không truyền hình trực tiếp, không có khán giả. Đoàn đàm phim “Trò chơi con mực” cũng không tham dự lễ trao giải.

 

Giải Quả cầu vàng do Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood (HFPA) chủ quản. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm ngoái, hiệp hội này đã gây ra tranh cãi lớn về vấn đề phân biệt chủng tộc, khi danh sách hội viên chủ yếu là người da trắng. Tiếp đó, hiệp hội còn dính vào tranh cãi phân biệt giới tính, nghi ngờ quản lý tài chính không minh bạch. Cho tới năm ngoái, Giải Quả cầu vàng còn quy định phân loại phim điện ảnh có trên 50% lời thoại không phải tiếng Anh là “Phim nói tiếng nước ngoài”. Chính vì sự phân biệt đối xử này mà các tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc như “Minari”, “Ký sinh trùng” đã bị “bạc đãi” tại Giải Quả cầu vàng năm ngoái. Lần này, việc nam diễn viên O Yeong-su giành giải thưởng Quả cầu vàng được đánh giá là thể hiện được sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc K-Culture, vừa được kỳ vọng mở ra một chương mới trong lịch sử Giải Quả cầu vàng.

Lựa chọn của ban biên tập