Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Seoul lập đối sách với giá dầu leo thang

2022-04-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố gói đối sách nhằm giảm gánh nặng giá dầu quốc tế tăng cao cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng phản ánh việc giảm thêm thuế xăng dầu vào giá bán, để người tiêu dùng có thể cảm nhận ngay được hiệu quả từ đối sách này.

    

Gói ba đối sách

Tại cuộc họp các Bộ trưởng liên quan tới vật giá diễn ra vào ngày 5/4, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki đã công bố gói ba đối sách nhằm giảm gánh nặng từ giá dầu leo thang.

 

Trước tiên, Chính phủ quyết định giảm thêm 10% thuế xăng dầu, từ mức giảm 20% như hiện nay thành 30%. Biện pháp tiếp theo là chi trả tiền trợ cấp về giá xăng dầu đối với xe tải và xe buýt thương mại. Theo đó, các loại xe trên nếu chạy mỗi ngày 40 km với hiệu suất tiêu thụ 1 lít xăng mỗi 10 km sẽ có thể tiết kiệm được 30.000 won (24 USD) tiền xăng mỗi tháng. Chính phủ sẽ sửa đổi quy định liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan 0% với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hiện đã được gia hạn thêm ba tháng tới hết tháng 7. Đặc biệt, để giảm gánh nặng cho người dân do giá dầu diesel tăng vọt, Chính phủ sẽ chi trả tiền trợ cấp trong vòng ba tháng. Đối tượng là các xe tải thương mại, xe buýt, tàu chở hàng ven biển chạy bằng dầu diesel. Ngoài ra, để hỗ trợ đời sống người dân, Chính phủ sẽ giảm 30% tiền phí đánh trên doanh số với xe ô tô chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), loại xe mà tài xế taxi, tiểu thương sử dụng chủ yếu. Chính phủ sẽ xúc tiến phương án nhập khẩu thay thế từ nước thứ ba trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cung cầu dầu mỏ, than đá, LNG; tích cực phối hợp với cộng đồng quốc tế, như xúc tiến mở kho dự trữ dầu cùng các nước lớn.

 

Các đối sách khác

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ xúc tiến các đối sách ổn định cung cầu nguyên vật liệu, như áp dụng hạn ngạch thuế quan 0% cho tới cuối năm nay với mặt hàng nhôm tấm mỏng (aluminum strip) dùng cho công đoạn sản xuất pin thứ cấp và ô tô; mở rộng lượng dự trữ 6 loại kim loại khác ngoài thép lên 250.000 tấn trong năm nay. Trong số các loại ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine trước đây, Chính phủ đã nhập thêm ngô từ các nguồn thay thế, như từ Romania. Trong trường hợp giá cả và cung cầu nông sản trở nên bất ổn, Chính phủ sẽ mở kho dự trữ lương thực để cung cấp cho các chợ bán buôn trên cả nước. Nhằm giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, Chính phủ cũng sẽ lập đối sách hỗ trợ thêm ưu đãi cho các địa phương có đóng góp vào việc ổn định các khoản phí công cộng như nước sạch, xử lý nước thải.

    

Giá dầu cao và giá cả leo thang

Việc Chính phủ Hàn Quốc đẩy nhanh lập đối sách quyết liệt như trên là bởi giá cả và cung cầu dầu mỏ, giá nguyên vật liệu và ngũ cốc đều đang tăng cao nghiêm trọng do dịch COVID-19 kéo dài, chiến tranh Nga-Ukraine tác động tới toàn thế giới. Trên thực tế, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tháng 3 tại Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm. Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia công bố ngày 5/4, chỉ số giá tiêu dùng tháng trước đạt 106,06 điểm, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng ở ngưỡng 4% kể từ sau tháng 12/2011. Các mặt hàng công nghiệp như dầu mỏ và dịch vụ cá nhân như nhà hàng, là yếu tố chủ đạo kéo giá cả leo thang. Giá dầu mỏ đã tăng 31,2%, giá xăng tăng 27,4%, giá dầu diesel tăng 37,9%, giá LPG dùng cho ô tô tăng 20,4%. Trong khi đó, tình hình Ukraine vẫn đang mù mịt, nên dự kiến xu hướng giá cả leo thang sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập