Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cú sốc tiền điện tử Luna

2022-05-21

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Vụ việc tiền điện tử Luna và đồng tiền ổn định (stablecoin) TerraUSD (UST) rớt giá thảm hại nhiều ngày liên tiếp đang làm chao đảo thị trường toàn thế giới. Chỉ trong vòng một tuần, giá trị vốn hóa của hai đồng tiền số này trên toàn thế giới đã bốc hơi 38 tỷ USD. Cơ quan tài chính Hàn Quốc đang nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà đầu tư trong nước.


Đồng Luna và UST “rơi tự do”

Luna và UST là tiền điện tử do công ty Terraform Labs, một doanh nghiệp chuỗi khối có trụ sở tại Seoul, phát hành ở Singapore năm 2018, đứng đầu là Giám đốc điều hành (CEO) Kwon Do-hyung (tên tiếng Anh Do Kwon) và ông Shin Hyun-sung (tên tiếng Anh Daniel Shin), nhà sáng lập trang thương mại điện tử Tmon. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng Luna và UST bắt đầu tăng vọt từ tháng 11 năm ngoái, đạt tới 40,6 tỷ USD vào ngày 9/5, thời điểm ngay trước khi bị lao dốc thê thảm.


Đồng UST đạt được tăng trưởng nhanh bởi đây là đồng tiền ổn định (stablecoin), được thiết kế để duy trì giá trị 1 đồng tương đương với 1 USD, nên có ưu điểm là giá trị ổn định hơn so với các tiền điện tử khác. Tuy nhiên, vào ngày 10/5, đồng UST bắt đầu rơi khỏi mốc 1 USD, dẫn tới làn sóng bán tháo trên toàn thế giới. Sau khi đồng tiền này giảm giá mạnh, giá trị đồng Luna cũng bị giảm theo, và cuối cùng giá trị cả hai đồng tiền này đã gần như chạm mức “0”.


Phân tích

UST là đồng tiền duy trì giá trị dựa trên nền tảng thuật toán. Các đồng tiền ổn định khác như “Tether” duy trì giá trị bằng cách lấy tài sản thực tế như USD làm vật bảo chứng. Tuy nhiên, đồng UST lại lấy đồng tiền “anh em” Luna để làm vật đảm bảo, duy trì giá trị bằng cách điều tiết lượng phát hành đồng Luna, thông qua hai giao thức là Terra và Anchor. Giao thức Terra là hệ thống quy đổi 1 UST thành đồng Luna tương đương 1 USD. Thông qua giao thức này, giá 1 đồng UST dù tạm thời tuột khỏi mốc 1 USD vẫn có thể quay lại giá trị 1 USD. Có nghĩa dù giá 1 UST rơi xuống bằng 0,8 USD thì người nắm giữ UST vẫn có thể đổi sang đồng Luna có giá tương đương 1 USD, thu lời 0,2 USD. Trong trường hợp này, 1 UST bị “đốt”, tức biến mất khỏi thị trường, lượng lưu hành UST vì thế sẽ giảm, khiến giá trị đồng UST lại tăng lên.  Trong khi đó, giao thức Anchor đóng vai trò huy động nguồn vốn cần thiết cho hệ sinh thái UST thông qua “DeFi”, tài chính phi tập trung, cung cấp tỷ lệ lợi nhuận 20%/năm nếu mua và ký gửi đồng UST.


Tuy nhiên, thực tế lại khác. Khi xảy ra tình trạng bán tháo số lượng lớn, giá đồng UST tuột khỏi mốc 1 USD. Về mặt lý thuyết, khi xảy ra tình huống này, các nhà đầu tư sẽ quy đổi UST sang đồng Luna để thu lợi nhuận chênh lệch, và giá đồng UST sẽ hồi phục. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà đầu tư cảm thấy bất an, nên bắt đầu tìm đến đồng UST ký gửi ở giao thức Anchor và bán tháo. Rốt cuộc, cả đồng Luna và UST đều bị bán tháo, giảm giá thê thảm.


Triển vọng

Giám đốc điều hành Terraform Labs Kwon Do-hyung đã lên tiếng xin lỗi vì sản phẩm mà mình phát minh ra gây đau khổ cho nhiều người, đồng thời thừa nhận thất bại, công bố kế hoạch vực dậy như thiết lập chuỗi khóa Terra thứ hai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phản ứng không mấy tích cực. Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng đây là “phiên bản tiền điện tử lừa đảo đa cấp”.


Hiện tại, vẫn khó dự đoán về thiệt hại trong nước. Cơ quan tài chính Hàn Quốc cho biết tính tới ngày 15/5, số nhà đầu tư sở hữu đồng Luna tại 5 sàn giao dịch tiền điện tử trong nước là khoảng 280.000 người, số lượng sở hữu là khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không có quyền hạn pháp lý để có thể tiến hành điều tra hay giám sát đối với công ty Terraform Labs. Do vậy, Chính phủ có kế hoạch xem xét tình hình vụ việc lần này để lập Luật cơ bản về tài sản kỹ thuật số xét trên quan điểm bảo hộ nhà đầu tư.

Lựa chọn của ban biên tập