Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Lo ngại về khủng hoảng lương thực

2022-06-11

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo khả năng sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng lương thực tại nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm đảm bảo được nguồn nhập khẩu nguyên liệu đa dạng, cũng như hỗ trợ quá trình nhập khẩu vào trong nước.

 

Báo cáo chung của hai cơ quan Liên hợp quốc

Vào ngày 6/6, WFP và FAO đã ra báo cáo chung, chỉ ra rằng một cuộc khủng hoảng lương thực đang tới gần do cú sốc khí hậu như hạn hán, tình hình dịch COVID-19, giá lương thực và năng lượng leo thang sau chiến tranh Nga- Ukraine. Giám đốc WFP David Beasley cho biết khủng hoảng lương thực không chỉ đe dọa tới những người nghèo nhất, mà còn đe dọa cả hàng triệu gia đình có mức sống trung bình.

Báo cáo chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng lương thực đang mấp mé tại các quốc gia như Indonesia, Pakistan, Peru, Sri Lanka. Hai cơ quan này còn đưa ra cảnh báo cao nhất đối với các quốc gia như Ethiopia, Nigeria, Afghanistan, Nam Sudan, Yemen, Somalia. Báo cáo phân tích chiến tranh Nga-Ukraine đã làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, thêm vào đó là sản lượng lương thực trên thế giới giảm do hạn hán, lũ lụt. Bất ổn kinh tế khiến giá cả leo thang đang đồng thời xảy ra tại nhiều khu vực khác nhau và ảnh hưởng sẽ ngày một nghiêm trọng hơn. Chương trình Lương thực thế giới ước tính dân số có nguy cơ đối mặt với nạn đói đã tăng từ 80 triệu người lên 276 triệu người trong vòng 4-5 năm qua.


Lo ngại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lương thực

Khủng hoảng lương thực dâng cao khiến nhiều ý kiến lo ngại về sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lương thực, nếu kéo dài có thể trở thành một cuộc chiến thương mại. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos, diễn ra vào tháng trước, các nước tập trung nêu ra những lo ngại này. Diễn đàn đề cập tới hai ví dụ điển hình về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lương thực, đó là đường và dầu cọ. Giá đường quốc tế gần đây đang tăng cao do Indonesia, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, ban lệnh hạn chế xuất khẩu. Giá dầu cọ cũng trong tình trạng tương tự bởi Indonesia, vốn là nước chiếm 60% sản lượng dầu cọ thế giới, dừng xuất khẩu trong vòng một tháng, làm xảy ra tình trạng khan hiếm dầu ăn.

Phó Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath bày tỏ sự lo ngại lớn về “điều sắp xảy ra”, tức tình hình an ninh lương thực toàn cầu trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng này dự kiến sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới các quốc gia Nam Phi nằm quanh sa mạc Sahara, phải nhập khẩu 40% lương thực. Hiện tại, có hơn 20 nước đang thực thi biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón, dự kiến sẽ càng khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn.

 

Ảnh hưởng tới Hàn Quốc và đối sách

Hiện tại, Hàn Quốc chưa gặp trở ngại gì về nguồn cung bột mì, dầu đậu nành, nhưng các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do giá nhập khẩu tăng cao. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không tránh khỏi gánh nặng lớn. Trong vòng một năm qua, giá các loại mì sợi đã tăng hơn 30%, giá bột mì và dầu ăn cũng tăng trên 20%. Theo đó, Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc đã quyết định lập đối sách bình ổn giá bột mì bằng cách hỗ trợ 70% khoản tăng giá, hay mở rộng nguồn quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, để các doanh nghiệp có thể thu mua nguyên liệu một cách ổn định. Chính phủ cũng đang xúc tiến phương án hạ thuế nhập khẩu dầu đậu nành và dầu hạt hoa hướng dương hiện đang ở mức 5% xuống 0%.

Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Hàn Quốc chỉ đạt trên 20%, ở mức rất thấp, chủ yếu là gạo. Nếu không bao gồm gạo thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 3%. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc có đủ gạo nhưng lại phải nhập khẩu gần như toàn bộ các loại ngũ cốc khác.

Chính phủ Seoul đang xúc tiến các biện pháp nhằm ổn định nguồn cung và nâng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực về dài hạn, đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực trên phương diện an ninh. Để nâng cao tỷ lệ tự cung tự cấp các mặt hàng chính như lúa mì, đậu tương, Chính phủ cần cải thiện cơ cấu tự cung tự cấp đang dựa chủ yếu vào gạo, bằng cách cải tiến hoặc thúc đẩy phát triển các giống cây trồng mới.

Lựa chọn của ban biên tập