Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ngày Tị nạn thế giới và chính sách người tị nạn của Hàn Quốc

2022-06-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Tư pháp Hàn Quốc ngày 20/6 vừa qua đã tổ chức buổi tọa đàm nhân “Ngày Tị nạn thế giới”, nhấn mạnh sẽ xúc tiến chính sách người tị nạn một cách cân bằng. Trong khi đó, Ủy ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc lại chỉ ra rằng Chính phủ cần cải thiện chế độ liên quan tới người đăng ký tị nạn. Các tổ chức hỗ trợ người tị nạn trong nước thì hối thúc Bộ Tư pháp tích cực bảo hộ người tị nạn và ổn định cuộc sống cho họ.


Ngày Tị nạn thế giới

Ngày Tị nạn thế giới là được Liên hợp quốc lập ra từ năm 2000 nhằm kêu gọi sự quan tâm của người dân thế giới với người tị nạn. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính tới tháng 5 vừa qua, số người tị nạn đã vượt mốc 100 triệu người trên toàn thế giới, tăng 12% chỉ trong vòng 5 tháng so với mức 89,3 triệu người vào cuối năm ngoái.


Người tị nạn là những người phải rời bỏ quê hương đến sinh sống tại địa phương hoặc quốc gia khác để tránh sự đàn áp hoặc nguy cơ bị đàn áp vì sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, các yếu tố chính trị, tư tưởng. Công ước về vị thế của người tị nạn có hiệu lực vào ngày 22/4/1954 chính là sự bảo hộ về mặt pháp lý quan trọng nhất với người tị nạn. Công ước này cấm các nước tham gia cưỡng chế trục xuất, phân biệt đối xử với người tị nạn đến từ những quốc gia có lo ngại bị đàn áp, tạo điều kiện để người tị nạn có thể nhập tịch. Quốc gia sở tại phải cấp phép lưu trú, đối xử nhân đạo khi người tị nạn trải qua các quy trình đăng ký tị nạn trong nước.


Vấn đề người tị nạn và đường lối Hàn Quốc

Ngày nay, có nhiều người tị nạn đến từ những khu vực xảy ra nội chiến như châu Âu, Trung Đông, châu Á, hay các khu vực liên tục xảy ra thiên tai. Gần đây, còn có một lượng lớn người tị nạn đến từ Ukraine do chiến tranh.


Trong giai đoạn đầu chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25/6/1950, phần lớn người dân Hàn Quốc đã phải sơ tán. Tuy nhiên, do hai miền Nam-Bắc vẫn cùng một dân tộc, nơi sơ tán vẫn thuộc lãnh thổ bán đảo Hàn Quốc, nên người dân nhìn chung có nhận thức không cao về người tị nạn nước ngoài đến từ những nơi xa cách về mặt địa lý.


Gần đây có thêm nhiều người đến từ nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới tới Hàn Quốc tị nạn vì những lý do đa dạng, nên vấn đề người tị nạn đang nhận được sự quan tâm lớn trong xã hội. Tình hình này dù giúp nâng cao nhận thức về việc bảo hộ người tị nạn, nhưng mặt khác cũng làm dấy lên phản ứng trái chiều, gia tăng tâm lý phản cảm của một bộ phận người dân với người tị nạn. Hiện tại, ngày càng có nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ mở rộng tiếp nhận và bảo hộ người tị nạn, cho thấy chế độ pháp lý về người tị nạn đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.


Tình hình người tị nạn và chính sách của Hàn Quốc

Hàn Quốc gia nhập Công ước về vị thế người tị nạn vào năm 1992. Năm 2012, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á lập Luật về người tị nạn, hiện đang xúc tiến chính sách tị nạn tiến bộ. Nhân Ngày tị nạn thế giới 20/6, Bộ Tư pháp đã mời các chuyên gia đến dự buổi tọa đàm, cam kết tích cực thu thập ý kiến, làm tròn trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, xúc tiến chính sách người tị nạn một cách cân bằng.


Các tổ chức hỗ trợ người tị nạn trong nước đang chỉ ra rằng chính sách hiện nay của Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Một vấn đề lớn nhất được chỉ ra là quy trình thẩm định tị nạn quá ngặt nghèo, nên số người được công nhận tị nạn trong nước chỉ dừng ở mức 1% trên tổng số người đăng ký bình quân 5 năm qua.


Ủy ban nhân quyền quốc gia chỉ ra rằng Chính phủ cần cải thiện chế độ đãi ngộ với những người tái đăng ký tị nạn trong nước. Bộ Tư pháp thì giải thích rằng cần thiết đối xử với những người tái đăng ký tị nạn khác với người đăng ký lần đầu, tránh trường hợp để chế độ người tị nạn trong nước bị lạm dụng.


Hiện tại, những người tái đăng ký tị nạn sẽ không được gia hạn thời gian cư trú trong nước, không được hỗ trợ về chi phí sinh hoạt, cũng như không thể xin việc, cuộc sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, do nhận thức về người tị nạn đang ngày càng được nâng cao hơn, nên dư luận kỳ vọng từng vấn đề nêu trên sẽ dần được giải quyết.

Lựa chọn của ban biên tập