Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đẩy Nuri

2022-06-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 21/6, Hàn Quốc đã phóng thành công hoàn toàn tên lửa đẩy Nuri (KSLV-II) tự phát triển, chính thức tiến vào hàng ngũ 7 cường quốc vũ trụ thế giới. Tên lửa đã đạt tới độ cao 700 km, đưa vệ tinh ổn định ở quỹ đạo mục tiêu.


Phóng thành công tên lửa Nuri


Vào lúc 3 giờ 59 phút 59 giây 9 chiều ngày 21/6, tên lửa đẩy Nuri được phóng lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Naro (huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla). 123 giây sau khi phóng, ở độ cao 62 km, tầng một của tên lửa được tách ra. 227 giây sau khi phóng, ở độ cao 202 km, nắp vệ tinh mô phỏng được tách ra. Sau đó, tầng hai của tên lửa được tách thành công ở giây thứ 269, độ cao 273 km. Tới 4 giờ 13 phút chiều cùng ngày, động cơ tầng ba của tên lửa dừng hoạt động, tên lửa đạt tới quỹ đạo mục tiêu. Ở giây thứ 875, tức 14 phút 35 giây sau khi phóng, vệ tinh kiểm chứng tính năng nặng 162,5 kg được tách ra. Ở giây thứ 945, tức 15 phút 45 giây sau khi phóng, vệ tinh mô phỏng nặng 1,3 tấn được tách ra. Vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo mục tiêu một cách chính xác, vụ phóng kết thúc hoàn hảo.


Trong buổi họp báo lúc 5 giờ 10 phút chiều cùng ngày, hơn một tiếng sau vụ phóng, Bộ trưởng Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Lee Jong-ho chính thức tuyên bố vụ phóng đã thành công. Ông Lee đánh giá thành công lần này là một khoảnh khắc lịch sử, không chỉ với lịch sử khoa học công nghệ, mà với cả lịch sử Hàn Quốc nói chung. Tổng thống Yoon Suk-yeol trong cuộc gọi qua video với đội ngũ nghiên cứu ca ngợi vụ phóng lần này đã mở ra con đường từ mảnh đất Hàn Quốc thẳng tiến tới vũ trụ.  


Từ tên lửa Naro tới tên lửa Nuri

Tên lửa Nuri là tên lửa đẩy vũ trụ đầu tiên được Hàn Quốc thiết kế và phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa. Trước đó, tên lửa Nuri đã được phóng lần một vào ngày 21/10 năm ngoái. Khi đó, tầng một, nắp vệ tinh mô phỏng, tầng hai của tên lửa đã được tách ra bình thường, hành trình bay diễn ra thành công. Tuy nhiên, thời gian đốt cháy động cơ tầng ba ngắn hơn 46 giây so với kế hoạch, khiến vệ tinh mô phỏng nặng 1,5 tấn không thể ổn định trên quỹ đạo tầm thấp Trái đất, khiến vụ phóng bị đánh giá là chưa đạt được mục tiêu cuối cùng, chỉ thành công một nửa. Vụ phóng lần hai này vốn dự kiến diễn ra vào ngày 15/6, nhưng đã bị hoãn hai lần, một lần do thời tiết xấu, một lần do trục trặc kỹ thuật.


Hàn Quốc bắt đầu phát triển tên lửa khoa học từ những năm 1990, và lần đầu phóng tên lửa khoa học KSR-I vào năm 1993. Tới năm 2002, Hàn Quốc lần đầu phóng tên lửa khoa học sử dụng nhiên liệu lỏng KSR-III, dần dần tích lũy công nghệ. Sau đó, Hàn Quốc bắt tay với Nga phát triển tên lửa Naro (KSLV-I), tên lửa đẩy chở vệ tinh cỡ nhỏ 100 kg, và đã phóng ba lần từ năm 2009 tới năm 2013, trong đó hai lần thất bại vào năm 2009 và 2010. Lần phóng thứ ba vào năm 2013 đã diễn ra thành công, thiết lập nền móng để Hàn Quốc tự phát triển tên lửa đẩy vũ trụ. Dựa trên thành quả này, Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc đã bắt tay vào tự phát triển tên lửa. Năm 2018, Seoul phóng thành công tên lửa Nuri phiên bản thử nghiệm chỉ gồm tầng một, nhằm thử nghiệm tính năng của động cơ nhiên liệu lỏng 75 tấn. Lần này, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã đạt được thành công trọn vẹn.


Ý nghĩa và tương lai phát triển vũ trụ

Đội ngũ nghiên cứu trong nước phát triển hoàn toàn các công nghệ và trang thiết bị quan trọng của tên lửa Nuri, từ động cơ nhiên liệu lỏng 75 tấn và 7 tấn, cho tới nắp bảo vệ vệ tinh lắp trên tên lửa đẩy. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã chứng minh một cách hoàn hảo tính năng của động cơ 75 tấn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục ứng dụng vào phát triển tên lửa đẩy cỡ nhỏ và cỡ lớn thời gian tới. Thành công lần này mang ý nghĩa là từ nay trở đi, Hàn Quốc có thể tự phóng bất cứ vệ tinh thực dụng nào, và rộng hơn là tự phát triển vũ trụ, trở thành một “người chơi” trong thị trường vệ tinh thương mại. Bước nhảy vọt hướng tới vũ trụ của Hàn Quốc đã chính thức tiến lên quỹ đạo.

Lựa chọn của ban biên tập