Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hộ gia đình 4 thành viên tại Hàn Quốc được dự báo sẽ dần biến mất trong 30 năm tới

2022-07-02

Tin tức

ⓒGetty Images Bank

Số lượng hộ gia đình 4 thành viên, gồm vợ chồng và con cái, sau một thời gian dài đóng vai trò là hộ gia đình chính tại Hàn Quốc, đang có sự sụt giảm nhanh chóng. Theo tài liệu “Dự báo hộ gia đình tương lai: 2020-2050” công bố ngày 28/6 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, đến năm 2050, số hộ gia đình 4 thành viên sẽ chỉ chiếm 6,2% tổng số hộ gia đình trên cả nước.

   

“Dự báo hộ gia đình tương lai: 2020-2050”

Theo tài liệu trên, trong năm 2020, hộ gia đình một thành viên tại Hàn Quốc đạt 6,48 triệu hộ, chiếm 31,2%, nhiều nhất trong số các hộ gia đình. Tiếp đó là hộ gia đình hai thành viên với 5,8 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 28%; hộ gia đình ba thành viên 20,3%, hộ gia đình 4 thành viên là 15,8%. Hộ gia đình từ ba đến 4 thành viên đang có chiều hướng giảm dần, trong khi hộ gia đình một hoặc hai thành viên, tức hộ sống một mình, hoặc chỉ có hai vợ chồng, lại đang trở thành xu thế. Hiện tượng này đang ngày một trở nên trầm trọng hơn. Số hộ gia đình một thành viên tăng bình quân 86.000 hộ mỗi năm, hộ hai thành viên tăng bình quân 83.000 hộ. Ngược lại, hộ ba thành viên giảm bình quân 14.000 hộ, hộ 4 thành viên giảm 62.000 hộ và hộ trên 5 thành viên giảm 22.000 hộ mỗi năm.

Sau 30 năm, tức vào năm 2050, tỷ trọng hộ gia đình một thành viên sẽ tăng lên 39,6%, với tổng cộng 9,05 triệu hộ. Hộ gia đình hai thành viên tăng lên thành 8,27 triệu hộ, chiếm 36,2%. Tỷ lệ hộ gia đình một và hai thành viên chiếm tổng cộng 75,8%. Ngược lại, hộ ba thành viên giảm còn 16,6%, với 3,8 triệu hộ; hộ 4 thành viên giảm còn 6,2%, với 1,43 triệu hộ; hộ trên 5 thành viên còn 1,3%, với 300.000 hộ.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Tài liệu “Dự báo hộ gia đình tương lai” của Cục Thống kê quốc gia phản ánh xu thế thay đổi hình thái hộ gia đình gần đây, dự báo về cấu trúc hộ gia đình trong tương lai, như quy mô số hộ gia đình, loại hình hộ gia đình, số lượng hộ gia đình theo số thành viên. Tài liệu này được sử dụng để Chính phủ đưa ra quyết định về phương hướng chính sách chính, như nhà ở, phúc lợi, việc làm.

Sự gia tăng số hộ một và hai thành viên, và sự sụt giảm mạnh số hộ ba thành viên trở lên xuất phát từ hiện tượng tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, cũng như sự thay đổi trong quan niệm về gia đình, như trào lưu không kết hôn.

Tầng lớp trẻ đang có xu thế không kết hôn, sống một mình, trong khi tầng lớp cao tuổi lại có khuynh hướng sống một mình sau khi vợ hoặc chồng qua đời. Thêm vào đó, việc tuổi thọ của người Hàn ngày càng cao cũng góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình một thành viên. Do vậy, việc hộ gia đình từ ba thành viên trở lên giảm cũng là điều đương nhiên.

Tỷ lệ “gia đình ruột thịt” gồm vợ chồng và con cái cùng chung sống được dự báo giảm từ 66,8% vào năm 2020 xuống 57,3% vào năm 2050. Điều này có nghĩa là số lượng hộ gia đình gồm những người không có quan hệ ruột thịt sẽ có chiều hướng tăng. Thêm vào đó, sự thay đổi về quan điểm hôn nhân cũng góp phần tạo ra xu hướng này. Nhiều cặp đôi lựa chọn không kết hôn mà chỉ sống chung, hoặc những người chỉ cùng chia sẻ không gian sống để tiết kiệm chi phí nhà ở đang trở thành trào lưu.

 

Các vấn đề nảy sinh từ già hóa dân số

Vấn đề nghiêm trọng nhất đó là sự già hóa ở hộ gia đình một thành viên. Tới năm 2050, hơn một nửa hộ gia đình một thành viên là người trên 65 tuổi. Trong năm 2020, 18,8% hộ một thành viên là người ngoài 20 tuổi, chiếm nhiều nhất; sau đó tới người ngoài 30 tuổi, chiếm 16,8%. Người ngoài 60 tuổi chiếm 15,5%, ngoài 70 tuổi chiếm 11,1%. Tuy nhiên, tới năm 2050, tỷ lệ chủ hộ là người trên 80 tuổi sẽ chiếm tới 24,5%, nhiều nhất; sau đó là người ngoài 70 tuổi chiếm 18,4%. Tổng cộng trên 51,6% hộ một thành viên sẽ là người trên 65 tuổi. Sự gia tăng hộ một thành viên là người cao tuổi sẽ kéo theo gánh nặng chi phí xã hội rất lớn, nên việc lập chính sách ứng phó là điều vô cùng cấp thiết. Tới năm 2040, tỷ trọng hộ gia đình một thành viên của Hàn Quốc được dự báo thấp hơn Đức và Nhật Bản, nhưng sẽ cao hơn Anh, Australia và Canada.

Lựa chọn của ban biên tập