Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Lãnh đạo Hàn-Mỹ-Nhật hội đàm ba bên bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO

2022-07-02

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật

Nhân chuyến thăm Madrid, Tây Ban Nha dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 29/6 (giờ địa phương) đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh, nhất trí ý kiến về việc tăng cường phối hợp ba bên, đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên sau 4 năm 9 tháng của lãnh đạo ba nước, sau cuộc gặp lần cuối cùng vào tháng 9/2017 nhân khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật là rất quan trọng để đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Hàn Quốc, vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa; qua đó hy vọng tăng cường phối hợp ba bên.

Về điều này, Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ ra rằng mối uy hiếp hạt nhân, tên lửa Bình Nhưỡng đang ngày một dâng cao, tình hình quốc tế bất ổn, nên tầm quan trọng của hợp tác Hàn-Mỹ cũng ngày càng lớn. Ông Yoon nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật lần này phải thể hiện được quyết tâm tăng cường hợp tác ba bên trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thì kêu gọi sự đối phó chung của Seoul, Washington và Tokyo, bao gồm cả tập trận chung, trong trường hợp Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Qua đây, Tokyo thể hiện quyết tâm tăng cường năng lực phòng thủ nhằm đẩy mạnh năng lực răn đe với miền Bắc.

Tổng thống Biden trước đó đã có chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 5, hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Yoon, nhất trí mở rộng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, từ đồng minh quân sự và an ninh thành đồng minh an ninh, kinh tế, giá trị.

 

Các hoạt động ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc tại NATO

Tổng thống Yoon Suk-yeol là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Tại hội nghị lần này, Hàn Quốc được mời tham dự với tư cách là một trong 4 nước đối tác của NATO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, New Zealand, Australia.

Tổng thống Yoon đã có bài diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO và các nước đồng minh, đối tác. Ông Yoon nhấn mạnh chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của miền Bắc là thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh bán đảo Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế, vi phạm rõ ràng nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống kêu gọi NATO và các nước đối tác tiếp tục hợp tác và ủng hộ nỗ lực của Seoul.

Tổng thống còn đề cập tới sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và NATO kể từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vào năm 2006, nhấn mạnh vai trò ngày một lớn của Seoul. Ông Yoon cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh NATO trong các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh mạng.

Bên lề hội nghị NATO, Tổng thống Yoon cũng đã hội đàm thượng đỉnh song phương với lãnh đạo các nước lớn như Anh, Pháp, Australia, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, thảo luận về các nghị sự hợp tác khác nhau. Ví dụ, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Australia, Tổng thống đã trao đổi về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và hydro xanh, trong cuộc gặp với lãnh đạo Hà Lan thì trao đổi về chuỗi cung ứng chíp bán dẫn, trong cuộc gặp với lãnh đạo Pháp và Ba Lan bàn về vấn đề năng lượng nguyên tử, và trong cuộc họp với lãnh đạo Đan Mạch bàn về vấn đề biến đổi khí hậu

 

Ý nghĩa và triển vọng

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đánh giá hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật được tổ chức sau gần 5 năm lần này mang ý nghĩa đánh dấu về sự khôi phục hợp tác an ninh ba bên. Ngoài ra, việc Tổng thống tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO là một bước đi nhằm làm cụ thể hơn sáng kiến “ngoại giao giá trị”, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước chia sẻ chung giá trị với Hàn Quốc, vượt ra ngoài “hàng rào” khu vực. Điều này mang ý nghĩa là Seoul sẽ tham gia vào đường lối khác biệt với các quốc gia không cùng chia sẻ giá trị, như Nga và Trung Quốc, phù hợp với “Khái niệm chiến lược” của NATO về mục tiêu 10 năm tới. Ngoài ra, việc Tổng thống tích cực quảng bá về nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc cũng là một sự thay đổi đáng chú ý trong các hoạt động ngoại giao lần này.

Lựa chọn của ban biên tập