Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chiến lược của Hàn Quốc về công nghệ hydro

2022-11-12

Tin tức

ⓒKBS News

Chiến lược tương lai về công nghệ hydro

Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và tài nguyên Hàn Quốc ngày 9/11 đã tổ chức cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban kinh tế hydro, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Han Duck-soo, thẩm định và thông qua “Chiến lược tương lai về công nghệ hydro” trong đó gồm ba chiến lược xúc tiến và 9 bài toán thực hiện.

Ủy ban kinh tế hydro được ra mắt vào ngày 1/7/2010 căn cứ theo Luật về bồi dưỡng nền kinh tế hydro và quản lý an toàn hydro, là “tháp điều khiển” về nền kinh tế hydro. Thủ tướng đóng vai trò là Chủ tịch Ủy ban, cùng với sự tham gia của Bộ trưởng 8 ban ngành hữu quan, đại diện các doanh nghiệp, giới học thuật, tổ chức dân sự.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp hydro, Ủy ban đề ra mục tiêu là bồi dưỡng 500 doanh nghiệp chuyên về hydro cho tới năm 2030 và 1.000 doanh nghiệp cho tới năm 2040. Để làm được điều này, Ủy ban sẽ xúc tiến “Dự án vật liệu, linh kiện, trang thiết bị hydro” ở 5 lĩnh vực là phương tiện di chuyển hydro, pin nhiên liệu, hydro hóa lỏng, trạm sạc hydro và điện phân nước.

 

Bài toán thực hiện cụ thể

Theo chiến lược vừa được công bố, từ nay cho tới năm 2030, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên xúc tiến nội địa hóa các công nghệ cao trong sản xuất hydro như công nghệ điện phân nước ion kiềm, điện phân PEM (màng trao đổi Proton). Điện phân nước là công nghệ sản xuất hydro xanh, tạo ra được hydro có độ tinh khiết lên tới 99,99%. Các nước đi đầu về công nghệ đã hoàn tất thương mại hóa công nghệ điện phân nước ion kiềm và điện phân PEM, nhưng trình độ công nghệ của Hàn Quốc hiện mới chỉ bằng khoảng 60%. Không chỉ nỗ lực bắt kịp trình độ công nghệ của các nước phát triển, Hàn Quốc sẽ tích cực phát triển công nghệ gốc thế hệ mới như điện phân nước màng trao đổi ion âm (AEM), điện phân oxit rắn (SOEC). Ngoài ra, chiến lược cũng bao gồm kế hoạch đầy tham vọng như sở hữu trước các công nghệ sản xuất hydro mới như quang phân ly nước, nhiệt phân nước, khí hydro sinh học.

Ở lĩnh vực xe hydro, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nới rộng khoảng cách về thị phần xe hydro, hiện đang đứng thứ nhất, chiếm 53% thị phần thế giới. Để đạt mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ nỗ lực cải tiến xe hydro, như kéo dài tuổi thọ xe hydro tương tự như xe chạy bằng động cơ đốt trong, tiêu thụ năng lượng tương đương xe ô tô điện, để tài xế có thể chạy xe trong khoảng thời gian lâu hơn. Chiến lược đề ra bài toán cụ thể là cải tiến hiệu suất của pin nhiên liệu, nâng cao độ bền, phát triển công nghệ trữ hydro hóa lỏng dùng cho xe ô tô, để có thể trữ hydro nhiều gấp ba lần so với hydro thể khí áp lực cao như hiện tại. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ phát triển công nghệ giúp nâng cao dung lượng pin nhiên liệu để có thể ứng dụng cho xe tải, xe buýt chạy bằng hydro. Với trường hợp xe tải, dung lượng pin hiện nay chỉ chạy được 160.000 km, dự kiến sẽ được nâng lên thành 500.000 km vào năm 2026, 800.000 km vào năm 2030.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra    

Kinh tế hydro là đề án về một nền kinh tế tương lai, nhằm đối phó với tình trạng cạn kiệt tài nguyên dầu mỏ, một loại nhiên liệu hóa thạch, trong đó biến hydro thành nguồn năng lượng sử dụng chính. Do đó, trong một tương lai mà công nghệ hydro chi phối, quốc gia nào đi đầu về công nghệ hydro sẽ có thể dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Trong thời kỳ nhiên liệu hóa thạch, Hàn Quốc là nước đến sau, luôn phải rượt đuổi các nước đi trước. Tuy nhiên, giờ đây Hàn Quốc đang cạnh tranh với các nước về công nghệ hydro ngay từ vạch xuất phát, nên hoàn toàn có thể vươn lên đẫn đầu. Đây cũng chính là mục tiêu đề ra trong “Chiến lược tương lai về công nghệ hydro” mà Seoul vừa công bố. Hàn Quốc mặc dù đang đi tiên phong ở lĩnh vực xe hydro, nhưng vẫn phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phát triển thêm các công nghệ gốc, ví dụ như công nghệ sản xuất hydro.

Lựa chọn của ban biên tập