Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc mở rộng phạm vi hạn chế sử dụng đồ dùng một lần từ 24/11

2022-11-26

Tin tức

ⓒYONHAP News

Từ ngày 24/11, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng mạnh phạm vi hạn chế sử dụng đồ dùng một lần, như túi nilon, ống hút nhựa, cốc giấy. Tuy nhiên, việc Chính phủ Hàn Quốc hồi đầu tháng 11 bất ngờ công bố áp dụng thời gian hướng dẫn trong vòng một năm, đã làm dấy lên lo ngại trong dư luận về bước lùi trong chính sách môi trường.

 

Mở rộng số mặt hàng dùng một lần bị hạn chế sử dụng

Hàn Quốc bắt đầu cấm sử dụng túi nilon tại các cửa hàng lớn từ năm 2019. Lần này, Chính phủ mở rộng tiếp phạm vi áp dụng. Các cơ sở kinh doanh bị hạn chế sử dụng đồ dùng một lần là cơ sở bán lẻ như cửa hàng tiện lợi có diện tích trên 33m², các cơ sở ăn uống như nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh. Điều này có nghĩa là khoảng 85% trên tổng số các cửa hàng tiện lợi nhượng quyền tại Hàn Quốc thuộc đối tượng áp dụng quy chế mới.

Với các cơ sở bán lẻ như cửa hàng tiện lợi và các tiệm bánh sẽ bị cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nilon. Trước kia, các cửa hàng tiện lợi vẫn được phép cung cấp túi nilon có thu phí để khách hàng đựng hàng hóa. Trong thời gian qua, các cơ sở kinh doanh bị hạn chế sử dụng đồ dùng một lần là cửa hàng quy mô lớn có diện tích trên 3.000m² hoặc các siêu thị có diện tích trên 165m².

Tại các cơ sở ăn uống như nhà hàng, quán cà phê sẽ không được phép sử dụng ống hút nhựa, que khuấy đồ uống bằng nhựa, cốc giấy. Các cơ sở thể thao bị cấm sử dụng vật dụng cổ vũ làm bằng nhựa. Các cửa hàng quy mô lớn, trung tâm thương mại không được phép sử dụng các loại túi nilon để khách hàng đựng ô vào những ngày trời mưa.

 

Bối cảnh và kế hoạch của Bộ Môi trường

Việc mở rộng phạm vi hạn chế đồ dùng một lần được căn cứ theo Quy tắc thi hành Luật cơ bản về tái sử dụng tài nguyên sửa đổi vào ngày 31/12 năm ngoái. Nếu vi phạm quy định này, chủ đơn vị kinh doanh sẽ bị xử phạt tối đa 3 triệu won (2.200 USD). Tuy nhiên, Bộ Môi trường quyết định sẽ áp dụng một năm hướng dẫn thực hiện, các trường hợp vi phạm sẽ chưa bị xử phạt hành chính trong năm đầu tiên áp dụng. Thay vào đó, Bộ Môi trường sẽ tích cực triển khai cuộc vận động nhằm tạo ra “hiệu ứng cú hích (nudge)” thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và khuyến khích các cơ sở kinh doanh tự giác thực hiện, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như bố trí đồ dùng một lần ở vị trí mà người tiêu dùng khó nhìn thấy, khu vực quầy order sẽ ghi rõ “không cung cấp cốc dùng một lần”.

Hàng quý, Bộ Môi trường sẽ tiến hành khảo sát nhận thức người tiêu dùng, nỗ lực duy trì hiệu quả của cuộc vận động, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện, trực tiếp tới thăm các cửa hàng không tham gia vào cuộc vận động cắt giảm sử dụng đồ dùng một lần, tích cực kêu gọi các cơ sở kinh doanh này tham gia. Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường giám sát và khuyến khích các cửa hàng tự giác giảm sử dụng mọi loại đồ dùng một lần, không chỉ các mặt hàng nằm trong danh sách áp dụng quy chế là cốc giấy, ống hút nhựa, que khuấy đồ uống bằng nhựa.

 

Tranh cãi

Dư luận đang dấy lên tranh cãi về việc Chính phủ bất ngờ đưa ra quyết định áp dụng một năm thời gian hướng dẫn thực hiện. Các tổ chức môi trường cho rằng đây là một bước lùi trong chính sách về cắt giảm đồ dùng một lần của Chính phủ. Trên thực tế, lượng rác thải nhựa tại Hàn Quốc đã tăng vọt trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, từ 4,18 triệu tấn vào năm 2019 lên 4,92 triệu tấn vào năm 2021, tăng tới 17,7%. Lượng cốc dùng một lần từng đạt bình quân 780 triệu chiếc giai đoạn 2017-2019 đã tăng lên 1,02 tỷ chiếc vào năm 2021, tăng 30,8%. Trong tình hình trên, việc Chính phủ không xử phạt hành chính trong năm đầu áp dụng quy chế mới rõ ràng là một bước lùi về mặt chính sách. Về điều này, Chính phủ giải thích đã quyết định áp dụng một năm hướng dẫn để phản ánh các ý kiến cho rằng cần có đủ thời gian để thay đổi dần dần nhận thức của người tiêu dùng.

Lựa chọn của ban biên tập