Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần về thảm họa Itaewon

2022-11-26

Tin tức

ⓒYONHAP News

Từ ngày 24/11, Quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân xảy ra thảm họa giẫm đạp ở khu phố Itaewon hồi cuối tháng 10 vừa qua. Mặc dù chính giới cuối cùng đã đi đến nhất trí về việc tổ chức phiên điều trần, nhưng dự kiến con đường phía trước sẽ còn rất gian nan do đảng cầm quyền và đối lập đang bất đồng ý kiến sâu sắc về các vấn đề trọng tâm.

    

Phiên điều trần về thảm họa Itaewon

Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội nhằm làm sáng tỏ thảm họa giẫm đạp ở Itaewon và phòng ngừa tái diễn thảm kịch tương tự (gọi tắt là Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội về thảm họa giẫm đạp Itaewon) đã được ra mắt vào ngày 24/11, bao gồm 9 đại diện từ đảng Dân chủ đồng hành, đảng đối lập lớn nhất Quốc hội, và 7 đại diện từ đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân, 2 đại diện từ các đảng nhỏ.

 

Thời gian điều trần là 45 ngày, có thể gia hạn dựa theo sự biểu quyết tại phiên họp toàn thể Quốc hội. Điều này cho thấy chính giới đã cân nhắc tới trường hợp dự thảo ngân sách năm 2023 không được thông qua đúng thời hạn quy định pháp luật là ngày 2/12, khiến thời gian điều trần có thể bị rút ngắn.

 

Các cơ quan bị đưa vào danh sách điều trần bao gồm Văn phòng theo dõi tình hình quốc gia và Trung tâm quản lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Hành chính và an toàn, Bộ Y tế và phúc lợi, Viện Kiểm sát tối cao, Cơ quan Cảnh sát quốc gia, Cơ quan Phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra còn có Sở Cảnh sát thành phố Seoul, Sở Cảnh sát quận Yongsan, Sở Phòng cháy chữa cháy quận Yongsan, Trung tâm cứu nạn khẩn cấp thành phố. Tuy nhiên, Phòng Cảnh vệ Tổng thống và Bộ Tư pháp không nằm trong danh sách điều trần như yêu cầu ban đầu của đảng Dân chủ đồng hành.

 

Bối cảnh

Thảm họa giẫm đạp Itaewon xảy ra vào tối ngày 29/10, trước thềm lễ hội Halloween, khi dòng người tập trung đông về một con hẻm dốc ở khu phố Itaewon cùng một lúc và ngã đè lên nhau. Sự việc đã khiến 158 người thiệt mạng, trong đó có 132 người Hàn, 26 người nước ngoài, và 197 người bị thương. Dư luận cho rằng thảm kịch này hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc thương vong ít hơn nhiều nếu cơ quan chức năng có biện pháp đối phó phù hợp ngay từ đầu. Trước khi xảy ra thảm kịch, đã có nhiều cuộc gọi về tổng đài 112 của cơ quan Cảnh sát, thông báo về mức độ nguy hiểm của dòng người tập trung đông tại Itaewon, nhưng các cơ quan chức năng đã ứng phó quá muộn màng. Ngay sau thảm họa, Cơ quan Cảnh sát đã vào cuộc điều tra làm sáng tỏ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, đảng đối lập cho rằng sự điều tra của Cảnh sát là không đủ để làm sáng tỏ tới cùng thảm kịch này, nên đã yêu cầu tổ chức phiên điều trần tại Quốc hội từ ngày 3/11. Đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân thì cho rằng nên đợi kết quả điều tra của Cảnh sát. Tuy nhiên, xét thấy đảng Dân chủ đồng hành hiện đang chiếm quá bán số ghế tại Quốc hội, thêm vào đó dư luận trong nước cũng đang yêu cầu về việc tổ chức phiên điều trần tại Quốc hội, nên cuối cùng nội bộ đảng Sức mạnh quốc dân đã quyết định “thông qua dự thảo ngân sách năm 2023 trước rồi sau đó tiến hành phiên điều trần”. Tới ngày 23/11, mỗi đảng quyết định nhượng bộ một bước, đạt được nhất trí về việc tổ chức phiên điều trần.

 

Kế hoạch điều trần được cho là phản ánh được phần lớn yêu cầu của đảng đối lập Dân chủ đồng hành, trong đó ghi rõ “các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được phép từ chối điều trần hoặc trình nộp tài liệu với lý do đang bị điều tra hoặc xét xử”. Nội dung này nhằm đề phòng trường hợp các nhân chứng quan trọng từ chối trình diện và trả lời chất vấn tại Quốc hội với lý do đang bị điều tra. Ngược lại, thời gian phiên điều trần được rút ngắn xuống 45 ngày thay vì 60 ngày như yêu cầu của đảng Dân chủ đồng hành.

 

Lịch trình tiếp theo và triển vọng

Ủy ban điều tra đặc biệt đã có cuộc họp đầu tiên vào ngày 24/11 ngay sau khi kế hoạch điều trần được thông qua tại phiên họp toàn thể Quốc hội cùng ngày. Sau khi các tài liệu liên quan được nộp lên Ủy ban điều tra đặc biệt và dự thảo ngân sách năm 2023 được thông qua, các trình tự của phiên điều trần sẽ chính thức bắt đầu như buổi giải trình của các cơ quan Nhà nước, kiểm chứng hiện trường, các buổi chất vấn.

 

Mặc dù Ủy ban đặc biệt đã được ra mắt dựa theo sự nhất trí của chính giới, nhưng đảng cầm quyền và đối lập vẫn còn bất đồng ý kiến lớn về vấn đề kéo dài thời gian điều trần, danh sách nhân chứng, phạm vi nộp tài liệu. Do vậy, vẫn chưa rõ liệu phiên điều trần lần này có đạt được thành quả cụ thể nào hay không trong việc làm sáng tỏ thảm họa Itaewon. Trên thực tế, trong số các phiên điều trần tại Quốc hội trước đây, nhiều trường hợp chính giới không đạt được thành quả nào đặc biệt do bất đồng ý kiến sâu sắc. Trong tổng cộng 27 phiên điều trần được tổ chức từ trước tới nay, chỉ có 12 lần Quốc hội thông qua được báo cáo điều trần.

Lựa chọn của ban biên tập