Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Người Hàn dư dả nhất vào năm 42 tuổi, bắt đầu sống thiếu thốn từ năm 61 tuổi

2022-12-03

Tin tức

ⓒ YONHAP News, Statistics Korea

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 29/11 công bố tài liệu thống kê “Tài khoản chuyển giao quốc gia 2020” (National Transfer Accounts - NTA).

“Tài khoản chuyển giao quốc gia” là một tài liệu thống kê nhằm nắm bắt dòng chảy thu nhập giữa các nhóm tuổi, tập trung vào mối quan hệ giữa tiêu dùng và thu nhập từ lao động tùy theo sự thay đổi tuổi tác. Mục đích của tài liệu này là nhằm đối phó chủ động với các yếu tố rủi ro trong tương lai, như gánh nặng tài chính của gia đình và Chính phủ do sự thay đổi cơ cấu dân số gây ra.

Trong năm 2020, tổng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc là 1.081.800 tỷ won (830,9 tỷ USD), thu nhập từ lao động là 984.300 tỷ won (756,57 tỷ USD). Có nghĩa là người dân chi tiêu nhiều hơn 97.500 tỷ won (74,94 tỷ USD) so với thu nhập kiếm được.

Xét theo độ tuổi, người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) có thu nhập nhiều hơn 167.200 tỷ won (128,52 tỷ USD) so với tiêu dùng, trong khi nhóm trẻ em 0-14 tuổi có mức chi tiêu nhiều hơn 141.800 tỷ won (108,99 tỷ USD) so với thu nhập, người trên 65 tuổi chi tiêu nhiều hơn 122.900 tỷ won (94,47 tỷ USD) so với thu nhập.

Độ tuổi có mức tiêu dùng vượt thu nhập nhiều nhất là vào năm 16 tuổi. Sau đó, mức thu nhập bắt đầu cao hơn tiêu dùng từ năm 27 tuổi, và lên tới đỉnh điểm vào năm 43 tuổi. Từ năm 61 trở đi, mức thu nhập của người Hàn bắt đầu thấp hơn tiêu dùng. Điều này có nghĩa là người dân Hàn Quốc chỉ dư dả kinh tế trong 33 năm cuộc đời.


Cuộc sống của người dân Hàn Quốc

Thống kê trên đã cho thấy rõ về các đặc điểm lao động, thu nhập và tiêu dùng của người Hàn Quốc. Năm 16 tuổi là giai đoạn tiền tiêu dùng vượt thu nhập nhiều nhất, đạt 33,7 triệu won (25.900 USD) trong một năm. Đây là giai đoạn cao điểm của sự học hành và phát triển, hầu như không có thu nhập, trong khi số tiền cần cho tiêu dùng chiếm tỷ lệ áp đảo. Trong đó, khoản chi nhiều nhất đương nhiên là chi tiêu cho giáo dục. Từ năm 27 tuổi trở đi, thu nhập từ lao động bắt đầu lớn hơn tiêu dùng, tới năm 43 tuổi, người Hàn dư ra được 17,26 triệu won (13.200 USD) một năm sau khi lấy thu nhập trừ đi tiêu dùng. Nếu tính theo thu chi hộ gia đình thì có thể nói, độ tuổi này chính là “giai đoạn hoàng kim” của đời người. Nhưng mặt khác, đây cũng là độ tuổi phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, như giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, nên là độ tuổi mà người Hàn phải làm việc chăm chỉ nhất để kiếm tiền. Từ tuổi 61 trở đi, người Hàn lại quay về tình trạng thiếu thốn, thu nhập ít hơn tiêu dùng. Trong đó, một điều hiển nhiên là khoản chi nhiều nhất trong giai đoạn này dành cho chăm sóc y tế.

Một điểm đáng chú ý là trong khi độ tuổi bắt đầu dư dả về kinh tế vẫn duy trì ở tuổi 27 đến 28 tuổi qua các năm, nhưng độ tuổi thiếu thốn về kinh tế sau khi nghỉ hưu đang ngày càng muộn hơn, năm 2010 là 56 tuổi, năm 2020 là 61 tuổi, tức muộn hơn 5 tuổi sau 10 năm. Điều này cho thấy là do tuổi thọ bình quân ngày một cao, xu hướng già hóa dân số nói chung, nên người dân Hàn Quốc ngày càng làm việc tới độ tuổi cao hơn.

 

Những vấn đề mang tính cơ cấu xã hội

Xét trên khía cạnh tiêu dùng thì tài liệu thống kê trên đã lộ ra những vấn đề mang tính cơ cấu xã hội. Nhóm dân số trong độ tuổi lao động là đối tượng chi tiêu nhiều nhất, sau đó tới trẻ em, người cao tuổi. Trong tổng tiêu dùng, tiêu dùng Nhà nước chiếm 350.100 tỷ won (268,79 tỷ USD), tiêu dùng tư nhân là 731.700 tỷ won (561,77 tỷ USD). Trong tiêu dùng Nhà nước, tỷ trọng tiêu dùng cho đối tượng người cao tuổi đang có sự gia tăng nhanh chóng, từ mức 13,7% năm 2010 lên 19,9% trong năm 2020. Điều này cho thấy do xu hướng già hóa dân số, dân số cao tuổi ngày càng tăng, khiến cho các khoản chi phí chăm sóc, phúc lợi người cao tuổi cũng tăng theo.

Lựa chọn của ban biên tập