Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dự thảo sửa đổi Luật Công đoàn được trình lên Tiểu ban Quốc hội

2022-12-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Đảng đối lập Dân chủ đồng hành ngày 30/11 đã đơn phương trình dự thảo sửa đổi Luật công đoàn và làm hài hòa quan hệ lao động (còn gọi là dự luật "Phong bì vàng") lên cuộc họp của Tiểu ban thẩm định dự luật thuộc Ủy ban Môi trường và lao động Quốc hội. Tuy nhiên, các nghị sĩ của đảng cầm quyền Sức mạnh quốc đã rời khỏi cuộc họp để phản đối việc thông qua dự luật. Sau đó, dự thảo đã được đảng đối lập đơn phương xúc tiến biểu quyết thông qua. Tiểu ban này gồm 4 nghị sĩ đảng Dân chủ đồng hành, 3 nghị sĩ đảng Sức mạnh quốc dân và 1 nghị sĩ đảng Công lý. Dự báo chính giới sẽ tiếp tục tranh cãi gay gắt từ nay cho tới khi dự thảo vượt qua được các cửa ải tiếp theo là cuộc họp toàn thể của Ủy ban Môi trường và lao động, cho tới phiên họp toàn thể Quốc hội.


Trước đó, Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Lee Jae-myung ngày 28/11 đã gặp gỡ đại diện giới lao động, cam kết sẽ nỗ lực để đạt được thành quả cụ thể trong thời gian sớm nhất, thể hiện lập trường tích cực về việc xúc tiến dự luật “Phong bì vàng”. Đảng Công lý cũng tán thành dự luật này, hối thúc Quốc hội sớm thông qua. Ngược lại, đảng Sức mạnh quốc dân chỉ trích dự luật này chỉ kích động người lao động đình công trái phép, miễn trách nhiệm cho các hành vi bạo lực, trái pháp luật của công đoàn, xâm phạm quá mức tới quyền tài sản của chủ sử dụng lao động, không phù hợp với tinh thần Hiến pháp.


Nội dung dự luật “Phong bì vàng”

Trọng tâm của dự luật này là hạn chế doanh nghiệp khởi kiện một cách bừa bãi, đòi bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất phát sinh do cuộc đình công của công đoàn. Dự thảo còn mở rộng phạm vi đình công hợp pháp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Luật Công đoàn, không cho phép doanh nghiệp khởi kiện cá nhân người lao động cụ thể để đòi bồi thường thiệt hại.


Cụm từ "phong bì vàng" bắt nguồn từ việc một người dân đã bỏ số tiền quyên góp 47.000 won (35 USD) vào một chiếc phong bì màu vàng chuyển cho công đoàn công ty ô tô Ssangyong, nhằm phản đối việc Tòa án năm 2014 ra phán quyết yêu cầu công đoàn bồi thường hơn 4,7 tỷ won (3,6 triệu USD theo tỷ giá hiện nay) tiền thiệt hại từ việc đình công. Sau khi sự việc được báo chí đưa tin, cuộc vận động quyên góp “Phong bì vàng” đã được phát động. Chỉ sau hơn 100 ngày triển khai, đã có hơn 47.000 người dân tham gia quyên góp, tổng số tiền thu được cuối cùng là 1,47 tỷ won (36,1 triệu USD). Sau đó, cuộc vận động này lan rộng thành cuộc vận động kêu gọi sửa đổi Luật Công đoàn. Năm 2015, dự luật “Phong bì vàng” lần đầu được đề xuất tại Quốc hội, nhưng kể từ đó cho tới nay, nhiều dự thảo tương tự đã bị bãi bỏ. 


Tranh cãi

Theo Bộ Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc, trong khoảng 14 năm qua, số vụ kiện đòi công đoàn bồi thường thiệt hại là 151 vụ, tổng số tiền đòi bồi thường là 275,27 tỷ won (211,6 triệu USD). Trong đó, Tòa án đã đứng về phía công ty trong 49 vụ, số tiền yêu cầu công đoàn bồi thường là 35,01 tỷ won (26,9 triệu USD). 

Gần đây, dư luận càng chú ý tới dự luật “Phong bì vàng” sau phán quyết của Tòa án tối cao liên quan tới công ty ô tô Ssangyong. Vào năm 2009, khi người lao động công ty này tiến hành đình công, Cơ quan Cảnh sát đã điều động trực thăng bay tầm thấp để trấn áp cứng rắn người lao động, khiến họ phản kháng, phá hỏng trực thăng. Cảnh sát đã khởi kiện người lao động phải bồi thường chi phí hỏng hóc trực thăng. Tuy nhiên 13 năm sau, vào ngày 30/11 vừa qua, Tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng bản thân hành động trấn áp bằng trực thăng của Cảnh sát là vi phạm pháp luật, nên việc người lao động phản kháng là chính đáng, không cần phải bồi thường. Ngoài ra, Tòa án cũng miễn nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người lao động đình công để phản đối quyết định sa thải của công ty.

Các ý kiến phản đối thì lập luận rằng dự luật “Phong bì vàng” có thể kích động người lao động đình công trái phép, tước đi “vũ khí phòng vệ duy nhất’ của doanh nghiệp để ngăn chặn các cuộc đình công trái phép của công đoàn. Ngược lại, phía ý kiến tán thành thì cho rằng dự luật “Phong bì vàng” giúp phòng ngừa tình trạng doanh nghiệp đàn áp công đoàn, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Lựa chọn của ban biên tập